Đảm bảo sức khỏe cho người dân để nâng cao quyền con người

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam đang nỗ lực đẩy lùi dịch Covid 1 với tinh thần sẵn sàng không để người dân nào bị bỏ lại phía sau

Chăm sóc y tế và bảo vệ người dân trước dịch bệnh nguy hiểm là chỉ tiêu quan trọng trong Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Việt Nam, đã và đang nỗ lực cùng cộng đồng thế giới triển khai các biện pháp hiệu quả đẩy lùi dịch Covid 19, với một hệ thống y tế dự phòng đầy đủ và tinh thần sẵn sàng không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.  Đây là những biểu hiện rõ ràng nhất của việc nâng cao quyền con người ở Việt Nam.

Đảm bảo sức khỏe cho người dân để nâng cao quyền con người - ảnh 1Các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy mặc đồ bảo hộ thăm khám bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. - Ảnh: VOV 

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay chắc hẳn sẽ là quãng thời gian rất khó quên và sẽ còn được nhắc đến trong nhiều năm tới, với cả hệ thống ngành y, các y bác sĩ, nhân viên y tế và cả với mỗi người dân Việt Nam. Trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng phòng chống dịch COVID-19, hệ thống y tế, ngành y tế Việt Nam đã không chỉ cho thấy tinh thần trách nhiệm cao, mà còn khẳng định được năng lực sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp.

Việt Nam kiểm soát tốt với các vấn đề y tế khẩn cấp.

Cả hệ thống ngành y tế Việt Nam những ngày này đang dồn sức phòng chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần “như chống giặc” mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu. Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của ngành y, đã bước đầu phát huy hiệu quả, hạn chế tối đa việc lây lan dịch trong bối cảnh Việt Nam có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc, nguy cơ rất cao. Tinh thần trách nhiệm của ngành y và những y, bác sĩ, nhân viên y tế, với phương châm coi sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân là quan trọng nhất đã giúp Việt Nam thắng trận đầu trong phòng chống dịch bệnh COVID -19. Cùng với tinh thần trách nhiệm, năng lực của hệ thống y tế Việt Nam là yếu tố quan trọng để Việt Nam thắng trận này.Trong báo cáo ngày 13/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận và đánh giá cao việc Việt Nam xử lý dịch COVID-19 rất tốt. Theo đó, chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch, tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành. WHO cho rằng năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể.

Hệ thống y tế sẵn sàng bảo vệ người dân trước dịch bệnh

WHO nhận định năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp của Việt Nam đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam. Trong hơn 30 năm thực hiện công tác phòng, chống dịch vừa qua, Việt Nam đã xây dựng được năng lực giám sát, phát hiện, chẩn đoán xác định dịch bệnh và ứng phó giải quyết dịch bệnh một cách nhanh chóng, hiệu quả. Năng lực phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi được nâng cao. Công tác tổ chức thu dung, điều trị cho người bệnh đạt hiệu quả rõ rệt. Công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm cũng được tích cực chủ động. Kết quả là nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế, đẩy lùi và thanh toán, gồm bệnh đậu mùa, bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh, dịch hạch. Một số bệnh dịch đã giảm số người nhiễm hàng trăm đến hàng nghìn lần so với những năm trước khi có Chương trình tiêm chủng mở rộng như bạch hầu, ho gà, sởi... Nhiều bệnh dịch như: sốt xuất huyết, viêm não virus, lao, thương hàn, tả đã được khống chế; không gây thành các dịch lớn, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong. Không chỉ khống chế các dịch bệnh trong nước, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1; ngăn chặn thành công không để một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập như cúm A/H7N9, Ebola, MERS-CoV.

Việt Nam cũng triển khai được năng lực giám sát xét nghiệm rất tốt. Tất cả bệnh truyền nhiễm mới nổi đến nay, Việt Nam đều có khả năng xét nghiệm và phát hiện, từ MERS-CoV, Ebola, hay cúm A/H7N9 và cả COVID-19… Việt Nam được công nhận là một trong số ít quốc gia làm chủ được công nghệ sản xuất vaccine, tự nghiên cứu sản xuất vaccine, như vaccine cúm mùa 3 type được sản xuất và đủ điều kiện thương mại hóa; ứng dụng công nghệ sinh học vào sàng lọc và chẩn đoán phát hiện nhanh, chính xác các tác nhân gây dịch, như: sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, là cơ sở để không xảy ra dịch trên quy mô lớn như các năm trước đây. Một trong những thành tựu khoa học mới nhất là vào ngày 7/2/2020, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus corona mới gây dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), tạo điều kiện cho việc xét nghiệm các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm COVID-19. Đây là tiền đề cho việc nghiên cứu vaccine phòng chống loại virus này trong tương lai.

Chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ vinh quang của ngành y tế, đặc biệt trong thời điểm có dịch bệnh COVID-19 như hiện nay. Các cán bộ y tế Việt Nam luôn sẵn sàng  đối mặt với muôn vàn khó khăn, âm thầm cống hiến để chăm lo sức khỏe cho người dân. Họ đã và đang tham gia trực tiếp và hiệu quả vào việc thúc đẩy, nâng cao quyền con người ở Việt Nam.

 Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi, làm theo. Hiện nay, cả nước có hơn 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có hơn 60% số trạm y tế đã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010- 2020. Mạng lưới khám, chữa bệnh từ Trung ương đến các xã với hơn 1.400 bệnh viện, 180.000 giường bệnh, hàng năm khám và điều trị ngoại trú cho 120.000 lượt người bệnh, điều trị cho hơn 10 triệu lượt người, thực hiện hàng triệu thủ thuật, khoảng 2 triệu ca phẫu thuật phức tạp hàng năm. Đây chính là cơ sở quan trọng để Việt Nam nhanh chóng đẩy lùi các dịch bệnh cộng đồng.
 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu