Đài Phát thanh Giải phóng: vũ khí sắc bén trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Thanh Thoa
Chia sẻ

(VOV5) - Ngày 31/8/1976, Đài Phát thanh Giải phóng kết thúc hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ngày 7/9/2018, đúng dịp kỷ niệm 73 năm thành lập Đài TNVN, Đài phát thanh Giải Phóng sẽ vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là phần thưởng danh giá, ghi nhận những đóng góp của Đài phát thanh Giải phóng đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Ngày 20/12/1960, Mặt trận dân tộc Giải phóng Miền Nam thành lập. Trung ương Đảng chỉ thị cho Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Ban thống nhất Trung ương và Trung ương Cục xây dựng một Đài Phát thanh cách mạng.

 Đài Phát thanh Giải phóng:  vũ khí sắc bén trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước  - ảnh 1 Một số PV, BTV Đài Phát thanh Giải phóng. (Ảnh: tư liệu của VOH)

Tết Tân Sửu năm 1961, Bộ Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam đã cử một số cán bộ bí mật vào miền Nam thực hiện nhiệm vụ. Sau một thời gian chuẩn bị gấp rút, đến ngày 1/2/1962, Đài Phát thanh Giải phóng đã phát chương trình đầu tiên. Trong 14 năm hoạt động, mặc dù đối phương tìm mọi cách phá hoại nhưng Đài Phát thanh Giải phóng vẫn giữ vững làn sóng, là nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với các lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 31/8/1976, Đài Phát thanh Giải phóng kết thúc hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Vũ khí sắc bén

Kể từ khi thành lập vào ngày 1/2/1962, Đài Phát thanh Giải phóng đã thực sự là một mũi tiến công sắc bén, đưa tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đến đồng bào và chiến sỹ cả nước, đến với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, giúp cho cộng đồng quốc tế hiểu hơn về cuộc kháng chiến chính nghĩa, toàn dân, toàn diện của đồng bào miền Nam, dân tộc Việt Nam.

Được xây dựng trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, từ sự nỗ lực của lực lượng tại chỗ và đặc biệt là có sự hậu thuẫn tích cực của cán bộ nhân viên Đài Giải phóng A ở miền Bắc (Quán Sứ, Hà Nội), chỉ trong thời gian ngắn, đài đã phát 10 giờ mỗi ngày và bằng 5 thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Hoa và Khmer. Nội dung tuyên truyền luôn bám sát công cuộc chiến đấu Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là cầu nối thông tin, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đây cũng là bước ngoặt đánh dấu bước phát triển vượt bậc của báo chí cách mạng trên chiến trường miền Nam. Nhà báo Trần Đức Nuôi, nguyên phóng viên, biên tập viên Đài Phát thanh Giải Phóng, cho biết: Mục tiêu của Đài phát thanh giải phóng là chính nghĩa, giác ngộ, làm cho thế giới hiểu về mình. Sức mạnh của phát thanh là sức mạnh cổ vũ. Khi đánh giá  về Đài phát thanh giải phóng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói “Đài Phát thanh giải phóng có đóng góp quan trọng như một sư đoàn mạnh để làm nên chiến thắng”. Còn nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng Đài Phát thanh giải phóng có sức mạnh ngoại giao, hỗ trợ trên bàn đàm phán. Sức mạnh lớn hơn nữa là làm thức tỉnh lương tâm những người chưa hiểu về Việt Nam trên thế giới, kể cả người Mỹ.

 Đài Phát thanh Giải phóng:  vũ khí sắc bén trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước  - ảnh 2 Phóng viên Kim Thanh (VOV1) phỏng vấn nhà báo Trần Đức Nuôi-  nguyên phóng viên, biên tập viên Đài Phát thanh Giải Phóng.

Nhà báo Nguyễn Yến Tuyết, phóng viên phòng Thời sự của Đài phát thanh Giải Phóng, nhớ lại những năm tháng vào chiến trường là khoảng thời gian vất vả, gian khổ và nhiều hiểm nguy rình rập, có những lúc cái chết cận kề nhưng tin tức từ chiến trường vẫn được thường xuyên cập nhật về Đài: Thời đó, không chỉ đưa tin về miền Nam mà chúng tôi còn đi công tác nhiều nơi. Có những lần đến các đơn vị bộ đội, vào quân y viện, gặp những thương binh bị cụt cả 2 chân hoặc 2 tay. Tôi suy nghĩ tại sao người ta có thể hy sinh nhiều đến vậy, mình lành lặn thế này thì không có gì là mình không làm được.

Danh hiệu cao quý

14 năm hoạt động, dù phải di chuyển nhiều nơi tránh sự phá hoại của quân đội Mỹ nhưng Đài Phát thanh Giải phóng vẫn luôn thông tin kịp thời, chính xác tới đồng bào, chiến sỹ, bạn bè quốc tế, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Trong suốt những năm tháng gian khổ ấy, 24 cán bộ, phóng viên của Đài đã anh dũng hy sinh. Ngày 31/8/1976, Đài chính thức giải thể sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc, từng công tác tại Phòng thời sự, Đài phát thanh Giải phóng, bày tỏ sự xúc động và tự hào khi hay tin Đài Phát thanh Giải phóng được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Đài Phát thanh Giải phóng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình từ năm 1976 nhưng giá trị tinh thần cũng như những chiến công, thành tích mà Đài Phát thanh Giải phóng đã gặt hái được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc còn vọng mãi đến ngày hôm nay. Chúng tôi tự hào về những gì chúng tôi đã làm trong những năm công tác ở Đài Phát thanh Giải phóng. Những đóng góp, những thành tích và những chiến công đó sẽ trường tồn mãi cũng dân tộc để khẳng định vị thế của Đài trong công tác tuyên truyền cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

42 năm sau khi Đài phát thanh Giải Phóng ngừng hoạt động, nhân dịp kỷ niệm 73 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945 – 7/9/2018), Đài phát thanh Giải Phóng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, danh hiệu cao quý nhất của Nhà nước dành cho tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phục vụ chiến đấu để giải phóng đất nước. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với sự hy sinh xứng đáng của các thế hệ cán bộ, phóng viên Đài phát thanh Giải Phóng nói riêng, là niềm tự hào của những người làm phát thanh nói chung.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu