Đại lễ Vesak 2014 –bước phát triển hội nhập của Phật giáo Việt Nam

Hương Giang
Chia sẻ
(VOV5) - Việc đăng cai Vesak lần thứ hai là dịp để Việt Nam giới thiệu về đất nước, con người, đồng thời cũng chứng tỏ sự phát triển của Phật giáo Việt Nam và chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

(VOV5) - Đại lễ Phật đản Vesak 2014 đang diễn ra trong các ngày từ 8-10/5/2014, tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, với chủ đề“ Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc”. Việc đăng cai Vesak lần thứ hai là dịp để Việt Nam giới thiệu về đất nước, con người, đồng thời cũng chứng tỏ sự phát triển của Phật giáo Việt Nam và chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.


Đại lễ Vesak 2014 –bước phát triển hội nhập của Phật giáo Việt Nam  - ảnh 1
Nghi lễ thả chim bồ câu, biểu tượng của hòa bình, an lành tại đại lễ Vesak


Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc bắt đầu được tổ chức từ năm 2000 nhằm kỷ niệm ngày Đức Phật Đản sinh, thành Đạo và nhập Niết Bàn. Cho đến nay, Việt Nam đã hai lần đăng cai tổ chức Vesak. Lần thứ nhất là năm 2008 và bây giờ là lần thứ hai, vào năm 2014.

Đại lễ lần thứ hai được khơi nguồn từ thành công của Đại lễ lần thứ nhất

Đại lễ Vesak 2008 quy tụ khoảng 100 quốc gia với 600 đoàn đại biểu Phật giáo và hơn 5000 người tham dự. Chủ đề chính của Đại lễ Phật đản 2008 là “Sự cống hiến của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Ngoài ra còn có các chủ đề nhỏ khác như: Sự thay đổi khí hậu toàn cầu, những mâu thuẫn trong gia đình, chiến tranh và hàn gắn, những thay đổi xã hội, vấn đề giáo dục của Phật giáo, Phật giáo nhập thế và Phật giáo trong giai đoạn kỹ thuật số. Đại lễ Vesak 2008 là sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam, là cơ hội để Phật giáo Việt Nam loan truyền Thông điệp của Tình Thương, Hoà Bình và Hoà Hợp khắp toàn cầu. Đại lễ Vesak 2008 cũng khẳng định vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với xã hội Việt Nam cũng như cộng đồng Phật giáo quốc tế.Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban thông tin, truyền thông, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết: “Liên Hiệp Quốc ủng hộ Việt Nam đăng cai Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc lần thứ 2 bởi lẽ, số lượng Phật tử ở Việt Nam chiếm khá đông ở Việt Nam và trong khu vực. Thứ hai, Việt Nam năm 2008 đã tổ chức rất thành công Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên, để lại những dư âm tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Lần này, Việt Nam tiếp tục đăng cai Vesak 2014 cũng nhằm thể hiện vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với cộng đồng Phật tử ở Việt Nam và trên thế giới, đồng thời cũng thể hiện sự hiếu khách của nước chủ nhà Việt Nam, chứng tỏ chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam.

Bước phát triển mới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Đại lễ Vesak năm 2008 do Chính phủ Việt Nam đăng cai tổ chức. Đại lễ Vesak 2014 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trì, với sự phối hợp của Ủy ban Tổ chức Quốc tế (ICDV). Thành phần đại biểu quốc tế tham dự Vesak 2014 được mở rộng. Lượng tín đồ, Phật tử là người Việt  Nam ở nước ngoài tham dự Đại lễ Vesak 2004 nhiều hơn so với Vesak 2008. Về mặt nội dung, chủ đề“ Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc của Đại lễ Vesak 2014 thật sự có ý nghĩa trong bối cảnh các quốc gia đang chú trọng phát triển cả kinh tế lẫn văn hóa, xã hội. Vì lẽ đó, Vesak 2014 không chỉ là nơi hội tụ của các chức sắc, tín đồ Phật giáo mà quan trọng hơn là làm lan tỏa không khí Vesak trong cộng đồng Phật giáo ở Việt Nam và quốc tế. Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh: “Mỗi lần tổ chức Vesak, chúng tôi đều mong muốn thông điệp hòa bình, trí tuệ, tình thương giữa con người với con người phải được lan tỏa để cho mọi người biết đến tư tưởng của Phật giáo. Qua đó, mỗi người phải liên tưởng để sống tốt hơn, làm cho xã hội an lạc, hòa bình hơn. Muốn vậy, mọi người phải chung tay, góp sức giữ cho thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn, thịnh vượng hơn”.

 Đại lễ Vesak 2014 không những là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, văn hóa truyền thống mà còn quảng bá lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam với các đại biểu quốc tế tham dự Đại lễ. Đại lễ này còn chứng tỏ chính sách tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam, sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hành trình hội nhập vào cộng đồng Phật giáo quốc tế./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu