Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Trong bối cảnh toàn cầu hoá như hiện nay, hơn bao giờ hết Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức coi trong việc thực hiện chính sách dân tộc gắn với việc thực hiện chính sách tôn giáo.

Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới - ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Làng Việt

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Tuyệt đại bộ phận các dân tộc thiểu số đều sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo, nơi có vị trí chiến lược cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và giao lưu quốc tế. Bởi vậy, việc giải quyết thành công vấn đề dân tộc góp phần tạo lập sự đồng thuận xã hội, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt nam về Đại đoàn kết dân tộc.

Ngay từ khi mới thành lập (3-2-1930) Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra những chủ trương đoàn kết rộng rãi những lực lượng yêu nước, các giai cấp, tầng lớp, các nhân sĩ yêu nước tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân vì mục tiêu giành độc lập dân tộc khỏi ách thực dân, đế quốc.

Ngày 18/11/1930, Hội Phản đế đồng minh được thành lập, đây là hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cũng kể từ đó ngày 18/11 hàng năm được gọi là Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Lấy dân làm gốc chính là truyền thống là biểu hiện sinh động, cô đọng và tập trung quan điểm về đại đoàn kết toàn dân tộc.

Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới - ảnh 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm chùa Phật Tích di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt nhân dịp tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Bắc Ninh 2016 - Ảnh: VOV

Xuất phát từ dân để lãnh đạo toàn dân, Đảng, Nhà nước  thực hành dân chủ trong công tác vận động nhân dân tạo lập khối đại đoàn kết toàn dân để đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đẩy mạnh công cuộc xây dựng đất nước. Trong công cuộc xây dựng đất nước, Đoàn kết toàn dân tộc là sự đoàn kết, hợp lực, hợp tác rộng lớn của các giai cấp, tầng lớp xã hội, của đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, của các cộng đồng người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài trên cơ sở thống nhất về lợi ích cơ bản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Quan điểm về vai trò đại diện của Mặt trận đối với nhân dân được thể chế hóa tại Điều 9 Hiến pháp năm 1992 và tiếp tục được quy định tại điều 9 Hiến pháp năm 2013: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức Liên minh chính trị , liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị , các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát, phản biện xã hội , tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Thực tiễn những năm qua cho thấy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã rất tích cực cùng với Nhà nước chăm lo đời sống của các tầng lớp nhân dân thông qua việc thực hiện các phong trào, các cuộc vân động, như: xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ đồng bào vùng bị thiên tai, chính sách và chương trình Ngày vì người nghèo... đã mang lại kết quả thiết thực.

Chính sách Đại đoàn kết dân tộc trong trong thời kỳ hội nhập

Trong bối cảnh toàn cầu hoá như hiện nay, hơn bao giờ hết Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức coi trong việc thực hiện chính sách dân tộc gắn với việc thực hiện chính sách tôn giáo, thực sự tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Việc thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo chính là góp phần khắc phục sự kỳ thị, chia rẽ các dân tộc, các tôn giáo; khắc phục tư tưởng tự ti, mặc cảm dân tộc, mặc cảm tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đã thành thông lệ hàng năm, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc Hội, Chính phủ đi thăm các địa phương, xuống từng cơ sở, tổ dân phố tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là dịp để các vị lãnh đạo tham gia đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, đất đai, môi trường, xử lý nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; giải quyết ổn định những vụ việc khiếu kiện đông người, không để kéo dài, phức tạp. Chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc hòng chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Trong bối cảnh mới, chỉ có thực hiện tốt có hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng về vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc thì khối đại đoàn kết toàn dân tộc mới được củng cố và tăng cường tạo thành động lực to lớn cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu