Việt Nam vừa chính thức trở thành quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Khi Hiệp định có hiệu lực vào cuối năm nay sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam, song cũng đặt ra không ít những thách thức, trong đó phải kể đến lĩnh vực việc làm, thị trường lao động và quan hệ lao động.
Ngoài việc tạo ra một khu vực tự do thương mại thuộc hàng lớn nhất trên thế giới, CPTPP cũng hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích xã hội, tạo thêm việc làm, tạo cơ hội mới cho cả người lao động và doanh nghiệp, góp phần nâng cao mức sống của người lao động…Song bên cạnh đó, việc ra nhập CPTPP cũng sẽ đặt ra những thách thức không hề nhỏ.
Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội Lê Quân. - Ảnh TTXVN |
Cơ hội cho lao động Việt Nam
Khi Việt Nam tham gia CPTPP, lĩnh vực lao động chiu tác động rất nhiều vì trong Hiệp định, chương 19 có 15 điều quy định về vấn đề lao động. Về mặt tích cực, kim ngạch xuất khẩu tăng, thị trường rộng mở, GDP hiệu ứng tăng trưởng tốt thì việc làm được tạo ra. Trong rất nhiều lĩnh vực liên quan tới vấn đề xuất khẩu cũng sẽ có sự gia tăng về vấn đề nhân lực, việc làm cho người dân. Đặc biệt, trong xu hướng các thị trường các quốc gia tương đối khó tính và đòi hỏi chúng ta phải có những hàng hóa xuất khẩu có chất lượng. Có thể nói, nghiên cứu tác động khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có CPTPP , ở khía cạnh lao động, việc làm, xã hội đều rất khả quan. Việc làm sẽ tăng, chất lượng lao động sẽ tăng, năng suất lao động cũng tăng. Thứ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Lê Quân đánh giá:
"Theo đánh giá của chúng tôi, hàng năm, sẽ có những việc làm thêm với mức 20 đến 30 ngàn lao động và điều quan trọng hơn cả là giúp chúng ta thay đổi cơ cấu nhân lực trong một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, cũng như một số lĩnh vực giúp chúng ta đẩy nhanh việc tăng năng suất lao động."
ILO cho rằng tham gia CPTPP giúp Việt Nam hiện đại hoá pháp luật về lao động.
- Nguồn: vneconomy.vn |
Chủ động tháo gỡ những thách thức
Tuy nhiên CPTPP cũng đặt ra những yêu cầu về lao động mà Việt Nam phải đáp ứng một khi đã tham gia sân chơi chung này. Chính phủ Việt Nam đã nhận diện một trong sáu thách thức nổi cộm mà Việt Nam phải đối diện khi tham gia CPTPP là việc sửa đổi luật pháp về quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và sự quản lý của Nhà nước để đảm bảo hoạt động của các tổ chức này tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam.
Nghĩa là tham gia vào CPTPP có những điều khoản về Hội nhập mà Việt Nam phải điều chỉnh. Điển hình là phải phê chuẩn 8 công ước quốc tế của Tổ chức Lao động thế giới mà hiện nay Việt Nam đã tham gia 5 công ước. Sắp tới, Việt Nam sẽ rà soát để có điều chỉnh về công ước về quyền tham gia lập hội, quyền liên kết của người lao động. Điều này có nghĩa Việt Nam phải đảm bảo quyền liên kết cuả người lao động và quyền thương lượng. Người lao động có thể thành lập các tổ chức đại diện của mình tại doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Lê Quân cho biết: Chúng ta cũng phải chú trọng sửa đổi hệ thống pháp luật để đảm bảo rằng khai thác mặt tích cực, đảm bảo quyền lợi của người lao động tốt hơn, đảm bảo quyền thương lượng và lợi ích của người lao động tốt hơn, cũng đảm bảo an ninh trật tự và tránh bị lợi dụng."
Theo quy định của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các nước sẽ không được tạo ra lợi thế cạnh tranh thương mại bằng việc hạ thấp các tiêu chuẩn lao động. Khi tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi 'tác động kép' là công nghiệp 4.0 và các Hiệp định thương mại sẽ khiến cơ cấu việc làm sẽ thay đổi nhanh. Vì thế Việt Nam cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, nhất là lao động chất lượng cao để nâng sức cạnh tranh.
Đề cập vấn đề này, Thứ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Lê Quân cho rằng: "Chất lượng nguồn nhân lực hiện nay phụ thuộc nhiều của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khi mà chúng ta phụ thuộc nhiều vào ứng dụng cơ cấu sản phẩm sản xuất. Chúng ta phải thay đổi rất nhiều trong điều chỉnh lao động, quyền liên kết của người lao động. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có những thay đổi trong thực tiễn để phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định chung mà chúng ta cam kết.
Tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là cơ hội để nâng chất lượng lao động, tăng việc làm, tăng năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh…Nhưng CPTPP cũng yêu cầu những tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường, quyền lợi của người lao động. Việc xác định rõ những thuận lợi và thách thức trong lĩnh vực lao động cũng như có giải pháp để thích ứng sẽ giúp Việt Nam tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định quan trọng này đem lại.