Năm 2024, Việt Nam phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, đa dạng, nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế, dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng 3 vấn đề: Vừa phòng ngừa, khắc phục vừa thích ứng rủi do, hướng tới xây dựng lưới an sinh bao trùm, bền vững, mọi người đều được tham gia và thụ hưởng thành quả xã hội.
Năm 2024, công tác an sinh xã hội tiếp tục đổi mới theo hướng hiệu quả, toàn diện và bền vững.
Chính sách an sinh xã hội là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Ảnh minh họa: chinhphu.vn |
Phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu phát triển về lao động, người có công và xã hội
Năm 2024, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu phát triển về lao động, người có công và xã hội, đặc biệt phấn đấu hoàn thành 3 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Đó là, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị, tỷ lệ nghèo đạt chuẩn đa chiều và tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Để đạt mục tiêu này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tập trung xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu đất nước trong giai đoạn mới, trình Quốc hội thông qua Luật BHXH (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: "Năm 2024, toàn ngành sẽ thống nhất cao, nỗ lực để hoàn thành kết quả cao hơn năm ngoái. Trước hết, phấn đấu hoàn thành 3 chỉ tiêu mà Chính phủ, Quốc hội giao. Đó là: Tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%; lao động qua đào tạo 69%, trong đó có chứng chỉ và bằng cấp tối thiểu là 28 đến 28,5%; tỷ lệ giảm nghèo theo đa chiều giảm trên 1%. Đồng thời, hoàn thành 16 chỉ tiêu mà ngành đặt ra. Tinh thần là không nói không chỉ tiêu nào không đạt".
Bên cạnh đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tập trung phát triển và ổn định thị trường lao động. Theo đó, chất lượng nguồn lao động phải được nâng lên, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và những xu thế ngành, nghề, lĩnh vực mới. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Trong năm 2024, tập trung cao nhất để xây dựng thị trường lao động ổn định, linh hoạt, đa chiều, bền vững và hội nhập. Quan tâm đến học tập liên thông, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, để góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng thị trường lao động. Đặc biệt, những vấn đề mới, như: đào tạo chip bán dẫn, thị trường tín chỉ carbon…mà xã hội đòi hỏi, yêu cầu cao hơn".
Phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: baotintuc.vn |
Để đạt mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%, ngay trong năm 2024, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.
Việt Nam hiện là 1 trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản 6 chiều về: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Do đó, việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều phải được nâng lên yêu cầu cao hơn. Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết: "Chương trình giảm nghèo 2021-2025 đã thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu, đòi hỏi cao hơn so với những giai đoạn trước. Đặc thù công tác giảm nghèo giai đoạn này khó hơn, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước. Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác. Chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện. Vì vậy, mục tiêu của giảm nghèo không đơn thuần là giảm nghèo về thu nhập, mà cao hơn, hoàn thiện hơn và bao trùm hơn".
Với quan điểm coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển, không đổi tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội lấy tăng trưởng đơn thuần, Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo để người dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng một nguồn lực lớn luôn được đầu tư, hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Năm 2024, công tác an sinh xã hội tiếp tục được phát huy toàn diện, đa dạng, chú trọng đến các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số, giúp họ ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng, bảo đảm mọi người dân đều được tham gia và hưởng các thành quả xã hội.