COC: Giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp biển

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc đang có những dấu hiệu khả quan khi mới đây, quan chức cấp cao hai bên đã gặp nhau tại Thái Lan, cùng khẳng định quyết tâm sớm khởi động tiến trình này. Dù dư luận nhận định phải mất rất nhiều thời gian, văn kiện pháp lý mang tính ràng buộc cao này mới có thể thành hiện thực, nhưng đây được xem là bước khởi đầu quan trọng trong quá trình tìm kiếm giải pháp an ninh biển Đông, vốn có nhiều biến động trong thời gian qua.

(VOV5) - Việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc đang có những dấu hiệu khả quan khi mới đây, quan chức cấp cao hai bên đã gặp nhau tại Thái Lan, cùng khẳng định quyết tâm sớm khởi động tiến trình này. Dù dư luận nhận định phải mất rất nhiều thời gian, văn kiện pháp lý mang tính ràng buộc cao này mới có thể thành hiện thực, nhưng đây được xem là bước khởi đầu quan trọng trong quá trình tìm kiếm giải pháp an ninh biển Đông, vốn có nhiều biến động trong thời gian qua.

 

Biển Đông (vi.wikipedia.org)

COC: Giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp biển  - ảnh 1


Trong một diễn biến mới nhất, ngày 30/10, tuyên bố sau cuộc họp không chính thức trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc cùng khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) được thông qua năm 2002, cũng như cùng phối hợp phấn đấu để có thể khởi động thảo luận về tiến trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) trong thời gian sớm nhất. Trưởng đoàn nước chủ nhà Thái Lan, ông Sihasak Phuangketkeow, cho biết các bên đã đạt được sự nhất trí quan trọng và cùng có mối quan tâm chung trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định trên biển Đông. Bởi, quan hệ ASEAN-Trung Quốc không chỉ là vì những lợi ích mang lại cho đôi bên mà còn là trụ cột quan trọng cho hòa bình, ổn định trong khu vực. Còn Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan hôm qua khẳng định Trung Quốc và ASEAN đang thể hiện “một ý thức cấp bách” trong việc cố gắng giảm bớt căng thẳng. Theo ông, ASEAN đã thấm thía khi lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm, hồi tháng 6 năm nay, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN kết thúc mà không công bố thông cáo chung do bất đồng giữa các nước trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông. Do vậy thời điểm này là cơ hội để ASEAN gắn kết, thúc đẩy đàm phán COC với Trung Quốc, nhằm tạo ra một cơ chế để duy trì hòa bình, ổn định cho khu vực. Ngoại trưởng Singapore trước đó cũng nhấn mạnh việc nhất trí khởi động đàm phán COC là một bước khởi đầu tốt đẹp, một khuôn khổ rất hữu ích, thể hiện nhiều nỗ lực của các bên đối với việc giải quyết hoà bình các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Hiện tại, COC đã được các nước ASEAN hoàn tất các thành tố cơ bản và chuẩn bị đưa ra đàm phán với Trung Quốc, sau đó sẽ đệ trình lên Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Campuchia vào cuối tháng này.

Ý tưởng về COC cho khu vực đã được đưa ra từ rất lâu, trong Tuyên bố ASEAN năm 1992. Nhưng phải mất 10 năm vận động, đàm phán, đến năm 2002, tại Pnom Penh, Campuchia, ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc mới đi được nửa chặng đường với việc nhất trí Thông qua DOC. Cũng lại phải mất gần chục năm sau, tại hội nghị ở Bali, Indonesia tháng 7/2011, ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc mới đạt được nhất trí và chính thức thông qua Quy tắc hướng dẫn thực thi DOC. Tuy đã được coi là bước tiến trong tiến trình quản lý tranh chấp nhưng DOC đã không ngăn ngừa được những căng thẳng ở biển Đông. Bởi biển Đông, từ ngàn xưa vốn đã có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế và vị trí chiến lược với các nước trong khu vực và ngày nay, tầm quan trọng của nó đã vượt khỏi phạm vi khu vực và thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia. Vì là một vùng biển "vàng" như vậy nên Biển Đông luôn tiềm ẩn những bất ổn có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu các bên liên quan bất chấp luật pháp quốc tế và thiếu tôn trọng lịch sử. Vì vậy làm thế nào để Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình và hợp tác là điều không chỉ các nước có biển, không có biển trong khu vực rất quan tâm mà cả những quốc gia có lợi ích liên quan.

Thực tiễn qua 10 năm thực hiện Tuyên bố DOC, DOC đã lộ rõ những bất cập vì đây không phải là một điều ước quốc tế và không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. DOC chỉ là thể hiện sự cam kết chính trị giữa các quốc gia, đồng thời nó cũng không có một cơ chế đảm bảo thực thi một cách chặt chẽ. Do đó, mong muốn có một văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý cao hơn để giải quyết các xung đột ở biển Đông là đòi hỏi tất yếu giữa các nước ASEAN và Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, để đàm phán COC ASEAN – Trung Quốc đi đến đích là cả một quá trình dài, cần nỗ lực xây dựng lòng tin của cả hai bên. ASEAN và Trung Quốc cần sớm thống nhất về 3 vấn đề lớn đó là làm sao xác định được phạm vi vùng tranh chấp và không tranh chấp, quy định cụ thể các hành động không được phép và cơ chế giám sát, giải quyết tranh chấp. Để giải quyết những khó khăn trong xây dựng COC cần thiện chí hợp tác của các bên có quyền lợi ở biển Đông, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982. Nếu các bên không thống nhất được những nội dung này thì COC cũng vẫn chỉ là một tuyên bố chính trị tự nguyện, giống như DOC mà thôi.

Năm nay, ASEAN và Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác, từ những diễn biến hiện tại, dư luận hy vọng hai bên sẽ đạt được những bước khởi đầu quan trọng, sớm ra được bản tuyên bố chung về việc xây dựng COC trình lên Hội nghị thượng định ASEAN diễn ra sắp tới tại Campuchia. Đây sẽ là bước đi quan trọng tiến tới một nền hòa bình bền vững ở biển Đông./.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu