Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa nhìn từ công pháp quốc tế

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Những ngày này, dư luận trong nước và quốc tế hết sức bất bình về hành vi Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Thay vì tuân thủ Công ước Luật biển LHQ năm 1982 đã quy định rất rõ ràng về quyền của các quốc gia ven biển, Trung Quốc còn sử dụng vũ lực trên biển, lớn tiếng vu cáo Việt Nam gây hấn.
(VOV5)- Những ngày này, dư luận trong nước và quốc tế hết sức bất bình về hành vi Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Thay vì tuân thủ Công ước Luật biển LHQ năm 1982 đã quy định rất rõ ràng về quyền của các quốc gia ven biển, Trung Quốc còn sử dụng vũ lực trên biển, lớn tiếng vu cáo Việt Nam gây hấn.

Để giúp quý vị hiểu rõ hơn về vấn đề này, BTV Đài TNVN có loạt bài phân tích rõ hơn về vấn đề chủ quyền lãnh thổ từ góc độ pháp luật quốc tế, thực tiễn giải quyết những tranh chấp lãnh thổ trên thế giới, cũng như những bằng chứng lịch sử, pháp lý không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trước hết có thể khẳng định việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên thế giới được thực hiện và áp dụng rộng rãi trong đời sống quốc tế, dựa trên nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình.

Chiếm hữu thật sự-Nguyên tắc quan trọng nhất trong việc xác lập chủ quyền
Nguyên tắc chiếm hữu thật sự được đề cập trong nghị quyết của Hội nghị Berlin về Châu Phi năm 1885 giữa 13 nước Châu Âu và Mỹ, theo đó, quốc gia được công nhận là chủ sở hữu vùng đất mới nếu ngoài việc phát hiện đầu tiên phải tiếp theo đó là các hành động thực tế. Đó là thông báo việc chiếm hữu cho các nước tham gia và duy trì quyền lực một cách phù hợp trên lãnh thổ chiếm hữu. Năm 1888, Viện Pháp luật quốc tế Lausanne đã ra tuyên bố khẳng định nguyên tắc này, làm cho nguyên tắc này trở nên chiếm ưu thế, phổ biến trên thế giới và được các quốc gia thừa nhận. Hiện trên thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa nhưng nguyên tắc này vẫn giữ nguyên giá trị và vẫn được các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng trong thực tiễn.

Đơn cử trong vụ tranh chấp quần đảo Minquier và Écrehous giữa Anh và Pháp năm 1950, tòa án đã xử cho Anh thắng cuộc bởi đã chứng minh chủ quyền của mình được thiết lập ở đây từ nhiều thế kỷ, trực tiếp sở hữu quần đảo này. Một trường hợp khác là đảo san hô Clipperton nằm ngoài khơi Thái Bình Dương, cách bờ biển Mexico về phía tây nam 500 hải lý. Người Mexico đến đảo này từ những năm 1892 nhưng không thực hiện chiếm hữu liên tục. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Pháp đến lập một đài khí tượng ở đây, khai thác hòn đảo này liên tục từ đó đến nay. Mặc dù đảo cách Pháp trên 10.000 hải lý nhưng khi xảy ra tranh chấp, Tòa án quốc tế đã kết luận đảo đó thuộc Pháp vì nước này đã thiết lập chủ quyền trên đảo trước tiên.

Trở lại trường hợp của Việt Nam. Nằm bên bờ biển Đông, Việt Nam có bờ biển dài với hàng ngàn hòn đảo và quần đảo gần bờ, xa bờ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam là quốc gia đầu tiên phát hiện, chiếm hữu và xác lập chủ quyền với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục từ thế kỷ 17 đến nay và chưa bao giờ Việt Nam từ bỏ chủ quyền của mình, kể cả khi quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm và chiếm đóng trái phép từ năm 1974 đến nay.

Những bằng chứng có giá trị pháp lý, lịch sử cao nhất
Việt Nam đã chiếm hữu thực sự, hòa bình và thực thi liên tục chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa. Các đời chúa Nguyễn lập “đội Hoàng Sa”, “đội Bắc Hải” để khai thác tài nguyên được ghi nhận trong các tài liệu lịch sử. Cùng với đó là các hoạt động dựng bia, cắm mốc chủ quyền liên tục trong các năm 1816, 1834, 1835, 1836.

Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa nhìn từ công pháp quốc tế - ảnh 1
"Đại Nam nhất thống toàn đồ" có vẽ gộp hai quần đảo Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa

Những chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những bằng chứng ở cấp cao nhất - cấp nhà nước. Các tài liệu chính thức của nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ như: Đại Nam thực lục chinh biên, Đại Nam Hội điển sự lệ, Châu bản triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí…đã ghi nhận rất rõ ràng và luôn khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc về cương vực mặt biển Việt Nam. Những tư liệu này hiện chỉ duy nhất Việt Nam có.

Ngoài những tư liệu trong nước, sự xác lập chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn được minh chứng bằng những tư liệu lịch sử của chính Trung Quốc và các nước phương Tây. Trong khi đó, về phía Trung Quốc, luận điểm của Trung Quốc về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa không thỏa mãn yêu cầu chiếm hữu hòa bình, thực sự và dưới danh nghĩa nhà nước. Hệ thống địa danh của Trung Quốc không dựa trên yếu tố lịch sử, việc tập hợp các địa danh không kèm văn bản gốc.

Mãi đến năm 1909, nghĩa là rất lâu sau so với Việt Nam, Trung Quốc mới có yêu sách về chủ quyền đối với Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Đáng chú ý, trong hơn 24 bộ chính sử của Trung Quốc, hơn 200 cuốn sách giáo khoa về lịch sử của Trung Quốc từ trước đến khi chiếm đóng trái phép Hoàng Sa không có tấm bản đồ nào, dòng nào nói rằng Hoàng Sa là thuộc về Trung Quốc cả.

Hơn nữa, Trung Quốc còn mâu thuẫn bởi chính các nguồn tư liệu của mình. Nhiều tài liệu địa lý cổ mô tả và nói rõ lãnh thổ của Trung Quốc có điểm tận cùng ở phía Nam là đảo Hải Nam. Điều này thể hiện rõ trong các cuốn Địa chí phủ Quỳnh Châu, Địa chí tỉnh Quảng Đông năm 1731, Hoàng triều nhất thống Dư địa tổng đồ, phát hành năm 1894, “Trung Quốc Địa lý học giáo khoa thư” phát hành năm 1906.

Việt Nam sử dụng tất cả chứng cứ, biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền,toàn vẹn lãnh thổ
Rõ ràng, chiếu theo luật pháp quốc tế, thực tiễn giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên thế giới, hay những bằng chứng lịch sử, Trung Quốc hoàn toàn không đáp ứng được bất kỳ một cơ sở nào để đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Những gì mà Việt Nam đã và đang làm là luôn tuân thủ theo khuôn khổ luật pháp quốc tế. Việt Nam có đầy đủ sự lựa chọn trong tay và hiện Việt Nam đang tiến hành những bước đầu tiên trong việc thực thi luật pháp quốc tế đó. Đó là đàm phán, là sử dụng tất cả các chứng cứ, biện pháp hòa bình, trong đó có việc áp dụng các quy định của luật pháp quốc tế để mang lại nhận thức chung cho dư luận tiến bộ trên thế giới, ủng hộ công cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam, vì một nền hòa bình chung của khu vực và thế giới./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu