Việt Nam chủ động hội nhập, tận dụng các lợi thế trong bối cảnh mới
ảnh minh họa (TTXVN)
|
Nhiều nghiên cứu cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 có thể dao động từ 6,7-6,9%. Để đạt kết quả này, Việt Nam cần tận dụng mọi cơ hội từ các FTA, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đặc biệt là tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Lợi thế đi liền thách thức
Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong số đó 9 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi. Đây được xem là cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 của Việt Nam. Riêng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nếu tận dụng thành công có thể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam thêm 4,2%, nhập khẩu tăng 5,3%. Về FTA Việt Nam – EU, khi có hiệu lực, cũng là một cánh cửa mở ra cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường 28 nước châu Âu. Với mức thuế điều chỉnh về 0%, hàng hóa Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn về giá, là một cơ hội cho tăng trưởng kinh tế. Tuwjj chung lại, việc cắt giảm thuế và dỡ bỏ rào cản thương mại theo các cam kết của FTA, hàng hóa của Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện nay sự xuất hiện gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, tình hình căng thẳng thương mại giữa các quốc gia, tiến trình nước Anh rời khỏi EU… đang tạo ra sự bất định chính sách ngày càng tăng, có nguy cơ tác động sâu sắc đến kinh tế và thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Vì thế, Việt Nam phải xử lý tốt mối quan hệ giữa chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao sức mạnh tổng thể quốc gia.
Về điều này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: "Việc thực hiện các cam kết hội nhập sâu rộng đang tạo sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trên cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Vấn đề lớn đặt ra là làm sao thực hiện hiệu quả các FTA thế hệ mới để tăng cường được nội lực, nâng cao được năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nuôi dưỡng và phát triển được nhiều “gen Việt” trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh là tiền đề và là giải pháp quyết định để nâng cao nội lực".
Tạo động lực cải cách mới
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể cao hơn nếu Việt Nam có những cải cách thể chế kinh tế thực chất và thu hút được những dự án đầu tư có chất lượng. Điều này Việt Nam đã và đang triển khai tốt thông qua việc thực hiện những cam kết mang tính ràng buộc từ các FTA.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành khẳng định: "Việt Nam trong những năm qua có điểm rất lợi về thế trận hội nhập, đó là ký kết được nhiều FTA, nhiều đối tác chiến lược, đi nhanh về FTA, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gắn với xu thế chung của thế giới rất tốt, đó là hình thành mạng sản xuất, chuỗi giá trị, những thị trường rộng lớn nhất, những nhà đầu tư và kinh doanh tốt nhất. Do đó là điều kiện tốt để Việt Nam tham gia học hỏi, nắm bắt và đây là lợi thế của Việt Nam"
Như vậy, vấn đề đặt ra là Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất gắn với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để tạo điều kiện kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam cũng cần tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là hạt nhân.
Việt Nam cũng có thể thành lập Hội đồng cải biến kinh tế với trọng tâm đẩy mạnh cải cách để nỗ lực thúc đẩy thương mại tự do và công bằng như đề xuất của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Khương, Đại học Lý Quang Diệu (Singapore), thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: "Việt Nam phải có một khả năng chống chịu rất là tốt bởi thế giới luôn có những biến động, sự tổn thương của Việt Nam với môi trường thế giới là rất lớn, môi trường thế giới không hy vọng sẽ nhẹ nhàng, mà có sự va đập. Do đó, với những thể chế về kinh tế, xã hội, môi trường, kinh tế vĩ mô phải hết sức cẩn trọng, chú trọng đến năng suất lao động, môi trường bền vững".
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng để tận dụng hết độ mở của nền kinh tế và lợi thế từ các FTA, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện chất lượng của công tác điều hành và cải cách thể chế kinh tế. Trong đó, việc cập nhật và cân nhắc các kịch bản điều hành cùng với hệ thống thông tin dự báo và cảnh báo kịp thời là nền tảng quan trọng. Việt Nam phải chủ động thích ứng với những tác động đa chiều của cạnh tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ, chú trọng mở rộng các hoạt động xuất khẩu và thu hút chọn lọc đầu tư nước ngoài chất lượng cao để thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.