Chính sách bảo hộ nông nghiệp của Mỹ gây khó cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam

Thu Hoa tổng hợp
Chia sẻ
(VOV5) - Quốc hội Mỹ ngày 7/2/2014 đã thông qua Đạo luật Nông trại (FarmBill) với những điều khoản bảo hộ nông nghiệp trong nước. Điều này chắc chắn sẽ làm kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt nam vào Mỹ sụt giảm và có thể xóa xổ hàng loạt ao nuôi cá tra của hộ nông dân nhỏ lẻ ở đồng bằng sông Cửu Long.
(VOV5) - Quốc hội Mỹ ngày 7/2/2014 đã thông qua Đạo luật Nông trại (FarmBill) với những điều khoản bảo hộ nông nghiệp trong nước. Điều này chắc chắn sẽ làm kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt nam vào Mỹ sụt giảm và có thể xóa xổ hàng loạt ao nuôi cá tra của hộ nông dân nhỏ lẻ ở đồng bằng sông Cửu Long.


Chính sách bảo hộ nông nghiệp của Mỹ gây khó cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam - ảnh 1
Chế biến cá tra philê xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Theo Đạo luật Nông trại vừa ban hành, cá tra chắc chắn thuộc đối tượng chịu điều chỉnh của những hàng rào kỹ thuật mới do Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra trong 2 tháng tới.Theo đó, chức năng giám sát cá da trơn, trong đó có cá basa và cá tra của Việt Nam, lâu nay vẫn thuộc Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA), nay được chuyển sang Bộ Nông nghiệp Mỹ. Thêm nữa, thay vì chỉ kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Mỹ sẽ kiểm soát luôn cả vùng nuôi cá tra của Việt Nam. Việc kiểm soát các vùng nuôi cá của Việt Nam được dự đoán theo hướng Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ yêu cầu các vùng nuôi của Việt Nam phải nâng cấp để đáp ứng những tiêu chuẩn giống như tiêu chuẩn mà những người nuôi cá da trơn ở Mỹ hiện nay đang áp dụng.

 Đạo luật này đồng nghĩa với việc gia tăng bảo hộ sản phẩm nông nghiệp của Hoa kỳ

Với những điều khoản của Đạo luật Nông trại, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ áp dụng tiêu chuẩn quy định cá da trơn của các nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngang hàng với mặt hàng này sản xuất tại Mỹ, từ quy trình sản xuất nuôi trồng, chất lượng sản phẩm đến việc đóng gói và xuất khẩu. Nói cách khác, nó làm cho người dân nuôi cá da trơn tại các nước khác, trong đó có nông dân nuôi cá tra ở Việt Nam, vấp phải các kiểm soát ngặt nghèo và tốn kém khi phải xây dựng hệ thống sản xuất theo tiêu chuẩn như tại Mỹ. Và với quy tắc thẩm tra từ gốc, chẳng hạn như khâu chăn nuôi tại các nước khác xem có đạt tiêu chuẩn Mỹ hay không, thì nhiều doanh nghiệp tại các nước cũng khó đáp ứng được. Trong khi đó, việc thẩm tra này không liên quan gì đến chất lượng, an toàn thực phẩm, điều mà Mỹ luôn lấy làm lý do để ngăn cản mặt hàng cá tra nhập khẩu vào Mỹ trong thời gian qua. Nói cách khác, những người nuôi cá da trơn tại Mỹ chính là những đối tượng “thắng lớn” với Đạo luật Nông trại. Một trong những nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất của điều khoản này chính là Việt Nam, quốc gia chiếm tới gần 80% thị phần nhập khẩu các sản phẩm cá da trơn vào Mỹ. Ông Trương Đình Hoè, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, cho biết: “Xuất khẩu cá tra đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là sự sụt giảm của các thị trường trọng điểm trong khi thị trường Mỹ đang phải đối mặt với các vấn đề về chống bán phá giá. Tình hình nguyên liệu trong nước cũng có nhiều biến động, trong đó giá nguyên liệu cá tra không được tốt cho nên không giải quyết được những khó khăn của người nuôi cá tra”.

Thách thức cho ngành thuỷ sản của Việt Nam

Tất cả các ao nuôi cá tra và nhà máy chế biến cá tra ở Việt Nam sẽ phải nâng cấp và kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn Mỹ, nếu muốn sản phẩm cá tra được nhập khẩu vào thị trường này. Về nguyên tắc, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ công bố điều kiện cụ thể để thực thi Luật Nông trại trong vòng 60 ngày, kể từ ngày 7/2/2014. Song, có thể thấy trước là tiêu chuẩn sản xuất, chế biến đóng gói thủy sản ở nước Mỹ, vốn dĩ là một quốc gia phát triển, sẽ không dễ dàng cho một quốc gia như Việt Nam, đặc biệt đối với những nông dân nuôi cá tra ở Việt Nam.

Ngành chế biến thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã tính trước và có sự chuẩn bị nhưng khi Luật này có hiệu lực, Việt Nam vẫn sẽ gặp một số khó khăn trong thời gian đầu và xuất khẩu thủy sản vào Mỹ có thể bị chững lại. Điều này tạo ra một thách thức đòi hỏi ngành xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam phải vượt qua, đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất để thích ứng với yêu cầu của thị trường thương mại thế giới. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, khẳng định: “Yêu cầu minh bạch thông tin là yêu cầu khách quan, bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi nội hàm của mình, bắt buộc doanh nghiệp phải ghi nhãn, thị phần của cá tra là bao nhiêu và phần mã với những thông tin về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh…thì người tiêu dùng sẽ lựa chọn. Thứ hai là cộng đồng doanh nghiệp cũng phải có những thông tin thì chúng ta mới tránh được những vụ scandal, những vụ bôi xấu cá tra của Việt Nam”.

Năm 2013, tổng lượng cá tra Việt Nam xuất khẩu ra thế giới trị giá 1,8 tỷ USD.  Hoa Kỳ là thị trường chi phối từ 27% tới 33% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung và cá tra nói riêng. Lâu nay,Việt Nam khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện nuôi trồng thủy sản theo các bộ tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC...Vì vậy, nếu có sự điều chỉnh hợp lý về quản lý, xuất khẩu, tổ chức chứng nhận… phù hợp thì cá tra Việt Nam vẫn đáp ứng đủ các yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Xây dựng và triển kế hoạch chuẩn bị đáp ứng các qui định mới của Luật Nông trại 2014 là kế hoạch tại thời điểm này của các doanh nghiệp Việt Nam nhằm giữ vững ngôi đầu về xuất khẩu cá tra vào thị trường này./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu