Chính phủ điện tử phục vụ nhân dân

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam xếp thứ 89/193 trên thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, tăng 10 hạng so với năm 2014.

Lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực. Đáng chú ý, thông qua xây dựng Chính phủ điện tử, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Việc xây dựng Chính phủ điện tử cũng từng bước công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng.

Chính phủ điện tử phục vụ nhân dân - ảnh 1

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chính thức nhấn nút khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: TCT online)

Những nội dung trọng yếu về xây dựng Chính phủ điện tử là xây dựng hệ thống thông tin điện tử thông suốt, kết nối liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến; xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ duy nhất trên internet.

Báo cáo đánh giá mới nhất của Liên Hợp quốc cho thấy Việt Nam xếp thứ 89/193 trên thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, tăng 10 hạng so với năm 2014, đứng thứ 6 trong ASEAN và cũng chính thức gia nhập nhóm các nước có chỉ số phát triển chính phủ điện tử cao. Chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam cũng được đánh giá ở mức cao, xếp hạng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.

Cơ bản hoàn thành kết nối liên thông các hệ thống quản lý văn bản

Sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử (năm 2015), đến nay, hầu hết các Bộ, ngành, Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành và phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật, cung cấp thông tin kết quả về giải quyết các thủ tục hành chính. Nhiều bộ, ngành địa phương đã hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản  tới văn phòng Chính phủ, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ TW đến địa phương. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện được liên thông hệ thống quản lý văn bản giữa các cơ quan khác nhau, là tiền đề quan trọng tiến tới giảm tỷ lệ sử dụng giấy tờ, giảm thời gian xử lý công việc, cung cấp công cụ để kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Chính phủ điện tử phục vụ nhân dân - ảnh 2Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Ảnh minh họa

Cùng với việc kết nối liên thông các hệ thống quản lý văn bản, tất cả các tỉnh, thành phố và nhiều Bộ, ngành cũng đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Thời gian tới, nhiệm vụ này sẽ tiếp tục được các Bộ, ngành đẩy mạnh. Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: “Trong tháng 8, ngành lao đông sẽ xây dựng Đề án Chính phủ điện tử của ngành, tính toán thiết lập đường truyền từ TW đến cơ sở, hướng tới đồng bộ và hoàn thiện trên một số lĩnh vực cơ bản như  bảo hiểm xã hội (nhằm minh bạch, chống trục lợi bảo hiểm); bảo trợ và người có công (lĩnh vực này chiếm phần chi rất lớn cho an sinh xã hội); việc làm và cập nhật thông tin thị trường lao động, đào tạo nghề; quản lý lao động tiền lương và bảo vệ trẻ em”.

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến   

Một trong những mục tiêu khi xây dựng Chính phủ điện tử là nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan Nhà nước trong phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đến nay, các bộ, ngành đã triển khai 78/83 dịch vụ công trực tuyến.  Việc triển khai, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến này đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tạo ra một phương thức giao dịch hiện đại, minh bạch giữa cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân, mặt khác đã góp phần phục vụ hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Mới đây, ngày 15/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến với mục tiêu đến hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công lĩnh vực nông nghiệp liên quan đến người dân và doanh nghiệp sẽ được thực hiện trên môi trường mạng đồng thời cho phép sử dụng thanh toán lệ phí; nhận và trả hồ sơ trực tuyến.  Tại TP Hồ Chí Minh, để xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố  đã yêu cầu các sở, ngành và 24 quận, huyện mở rộng hơn nữa việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến cho 300 thủ tục hành chính trong năm 2017.  Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp được 1.079/1495 thủ tục hành chính, đưa Lâm Đồng trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong triển khai Chính phủ điện tử. Trong khi đó, tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: “Hà Nội đã cung cấp mức dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện, 584 xã, phường. Thành phố hiện có 391 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4(các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng) đạt trên 20% tổng số thủ tục hành chính . Hà Nội phấn đấu đến hết 2017, sẽ đạt 55% các dịch vụ công mức độ 3 và 4. Hiên nay tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đạt cao như lĩnh vực tư pháp đạt trên 90%, đăng ký kinh doanh trên 70%, hải quan 100%”.

Xây dựng Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu để tăng cường công khai thông tin hoạt động của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Những chuyển biến trong xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam thời gian qua đồng thời cũng góp phần xây dựng một nền hành chính công hiện đại, hiệu quả và minh bạch.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu