Nguyên do là bởi theo thỏa thuận này, Australia sẽ mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ và Anh, thay vì thực hiện hợp đồng mua tàu ngầm trị giá gần 40 tỷ USD đã ký với Pháp trước đó.
Quyết định hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp để chuyển sang mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và Anh, được Australia đưa ra trong bối cảnh Paris vừa hứng chịu thất bại tương tự trước Washington trong thương vụ cạnh tranh bán máy bay chiến đấu cho Thụy Sỹ cách đây 3 tháng. Hơn thế, vụ việc lại diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm khi Pháp đang tiến gần tới cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 4/2022. Điều này phần nào lý giải phản ứng của Pháp với vụ việc.
Pháp giận dữ, Mỹ tìm cách trấn an
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. Ảnh: Reuters |
Ngay sau khi thông tin thành lập AUKUS được công bố, nhiều quan chức Pháp đã công khai biểu hiện sự tức giận, coi đó là hành động "phản bội" đồng minh. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Franceinfo, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh "Đây không phải những gì đồng minh làm với nhau". Ngày 17/9, Paris đã quyết định triệu hồi Đại sứ tại Washington và Canberra về nước để tham vấn, đánh dấu bước thụt lùi nghiêm trọng trong quan hệ giữa Pháp với cả Mỹ và Australia trong nhiều thập niên qua. Với Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã quyết định hủy hội nghị song phương với người đồng cấp Ben Wallace được lên kế hoạch tổ chức trong tuần này. Chưa dừng lại ở đó, Nghị sỹ Jean-Luc Melanchon, ứng cử viên Tổng thống thuộc phe Xã hội Pháp, thậm chí kêu gọi rút Pháp khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Về phía Liên minh châu Âu (EU), ngày 20/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen có phản ứng đầu tiên về vấn đề này khi nói rằng "Có rất nhiều câu hỏi mở cần được giải đáp. Một quốc gia thành viên của chúng ta đã bị đối xử theo cách không thể chấp nhận". Dù bình luận này được đánh giá là khá thận trọng, nhưng phần nào cho thấy sự không hài lòng của châu Âu với vụ việc.
Để xoa dịu tình hình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 16/9 khẳng định Pháp vẫn là một "đối tác quan trọng" trong chiến lược của Washington ở châu Á, đồng thời nhấn mạnh rằng không có bất kỳ mối chia rẽ nào ngăn cách lợi ích của các đối tác với Mỹ ở Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Đến ngày 19/9, Phát ngôn viên Phủ Tổng thống Pháp Gabriel Attal cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong “vài ngày tới”, để làm rõ vấn đề.
Thế khó xử của cả hai bên
Theo giới phân tích, trong vụ việc lần này, nước Pháp không chỉ chịu tổn hại lớn về kinh tế, mà còn bị ảnh hưởng về uy tín quốc gia. Bối cảnh xảy ra lại khá đặc biệt khi Pháp chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Tổng thống sau hơn nửa năm nữa, đồng thời sẽ tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu (từ 1/1/2022). Bối cảnh đó đặt chính giới Pháp đứng trước áp lực lớn là phải có hành động thỏa đáng. Trong quá khứ, Pháp đã không ít lần có phản ứng cứng rắn. Đơn cử, năm 1966, Pháp rút khỏi Bộ Chỉ huy quân sự của NATO (nhưng không rút khỏi NATO), dẫn đến việc Tổng hành dinh NATO chuyển từ Paris đến Brussels (Bỉ). Năm 2020, Pháp cũng đã rút khỏi một chiến dịch giám sát hàng hải của NATO, vì mâu thuẫn với một nước thành viên khác trong khối là Thổ Nhĩ Kỳ.
Thế nhưng, với vụ việc lần này, phản ứng thái quá có thể làm phương hại quan hệ hai bờ Đại Tây Dương và điều đó sẽ khiến cả hai phía thiệt hại. EU và NATO chắc chắn không ủng hộ kịch bản này. Việc Tổng thống Macron chưa lên tiếng về vụ việc, có thể hiểu là Pháp đang cân nhắc hành động một cách cẩn trọng.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters |
Tương tự, vụ việc cũng đặt Chính quyền Mỹ ở vào thế khó. Phản ứng của Pháp và châu Âu có thể đe dọa các nỗ lực của Tổng thống Joe Biden về tăng cường quan hệ xuyên Đại Tây Dương, cũng như chiến lược xoay trục sang châu Á. Thời gian qua, Tổng thống Biden đã thực hiện nhiều bước đi nhằm cải thiện mối quan hệ với các đồng minh châu Âu vốn xấu đi đáng kể dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, chủ yếu xuất phát từ việc Washington yêu cầu các đồng minh châu Âu phải tăng cường đóng góp chi tiêu quốc phòng cho NATO, cũng như việc Mỹ từ bỏ các thỏa thuận đa phương.
Trong chiến lược xoay trục sang châu Á, chính quyền Mỹ nhiều lần khẳng định vai trò quan trọng của các đồng minh châu Âu, ra sức hối thúc và thuyết phục các nước châu Âu tham gia.
Bởi vậy, hướng xử lý khả thi nhất được cho là Mỹ, Pháp, các nước châu Âu cũng như các đối tác quan trọng khác như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ,… sẽ nỗ lực tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng, nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu chung, đứng đầu là tầm nhìn vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hôm 18/9, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer nhận định tranh chấp giữa Pháp với Mỹ và Australia không có khả năng ảnh hưởng đến "hợp tác quân sự" trong khối.