Chất vấn Quốc hội: Trách nhiệm của đại biểu dân cử trước cử tri

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội luôn nhận được sự quan tâm theo dõi đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, bắt đầu từ ngày mai (4/6), tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kiểm toán, Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là hoạt động nghị trường thường xuyên tại các kỳ họp Quốc hội, thể hiện trách nhiệm của các đại biểu dân cử với cử tri của mình với tư cách là người đại diện quyền lực của Nhân dân, thay mặt Nhân dân yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời, làm rõ trách nhiệm của mình.

Chất vấn Quốc hội: Trách nhiệm của đại biểu dân cử trước cử tri - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: quochoi.vn

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội luôn nhận được sự quan tâm theo dõi đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội đều được phát thanh truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước cùng nắm bắt. Hoạt động chất vấn của Quốc hội thời gian qua đã góp phần tích cực giải quyết những vấn đề trong xã hội, có tác động thiết thực, thúc đẩy các cơ quan nhà nước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Chất vấn đúng và trúng

Công tác chuẩn bị cho Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 này đã được tiến hành kỹ lưỡng, từ sớm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn sớm các nhóm vấn đề chất vấn, tạo điều kiện thuận lợi để các Bộ trưởng, trưởng ngành rà soát, đánh giá và có báo cáo chi tiết về các nhóm vấn đề chất vấn. Trên cơ sở đó, các đại biểu Quốc hội có đủ thời gian nghiên cứu, chất vấn đúng và trúng những nội dung trọng tâm, truyền tải hết mong muốn, gửi gắm của cử tri tới các bộ trưởng, trưởng ngành. Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, đánh giá: “Tôi trân trọng việc sau mỗi kỳ họp Ủy ban thường vụ Quốc hội lựa chọn một số ý kiến, kiến nghị chưa được giải quyết để giám sát, tạo sự chuyển biến rõ nét trên thực tế. Từ đó, Quốc hội nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trong việc nâng tầm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là tổ chức các hoạt động giám sát nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri”.

Nhiều nội dung quan trọng được cử tri trông đợi

Tại phiên chất vấn ở Kỳ họp Quốc hội lần này, 4 nhóm vấn đề được lựa chọn để chất vấn đều là những vấn đề bao quát, vừa mang tính trước mắt vừa mang tính lâu dài đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian tới, đồng thời cũng có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Bà Trần Thị Nhị Hà, đại biểu quốc hội Hà Nội, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc Hội, cho rằng trong những kỳ họp gần đây, Quốc hội đã có những đổi mới chất vấn, đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri. Quốc hội đều nêu cao tinh thần “tái chất vấn” việc thực hiện các cam kết, lời hứa của các thành viên Chính phủ. Đây chắc chắn sẽ là một nội dung mà cử tri, nhân dân cả nước rất quan tâm. Bà Trần Thị Nhị Hà tin rằng các ngành, lĩnh vực được chất vấn sẽ có thêm nhiều động lực mới, cách làm mới để giải quyết được những khó khăn, vướng mắc, tạo đà cho sự phát triển của ngành, lĩnh vực, đồng thời giải quyết được những băn khoăn, yêu cầu của cử tri, trên tinh thần phục vụ lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất.

Quan tâm đến chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, ông Lưu Bá Mạc, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, bày tỏ: “Chính phủ cần có cơ chế, chính sách và có giải pháp đối với đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên đã hết tuổi nghề, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ đối với người làm trong lĩnh vực này. Từ đó có thể góp phần nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa đáp ứng tốt hơn, đối với yêu cầu ngày càng cao về hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của mỗi người dân, người nghệ sỹ, diễn viên”.

Về lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhất là những vấn đề liên quan đến chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, khai thác chất liệu văn hóa, lịch sử của đất nước để phát triển công nghiệp văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng:“Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề phát triển văn hóa con người Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp rất nhiều những thách thức. Làm sao để tận dụng các cái cơ hội làm sao được vượt qua những cái thách thức, tháo gỡ được những điểm nghẽn cho phát triển văn hóa, để từ đó văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, thực sự là mục tiêu là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chắc chắn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian sắp tới”.

Chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội với cử tri, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chức năng đối với lĩnh vực mình phụ trách. Làm sáng tỏ các những vấn đề mà cử tri đang hết sức quan tâm, đưa ra được những giải pháp cụ thể, kịp thời để tháo gỡ hiệu quả những vướng mắc là điều đại biểu Quốc hội và cử tri mong chờ. Từ đó tạo ra những chuyển biến tích cực, hoàn thành tốt những nhiệm vụ đến hết năm 2024 cũng như cho cả nhiệm kỳ 2021-2026.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu