(VOV5)- Cuộc chiến chống IS sẽ bị chệch hướng khi các nước có chung mục tiêu chống IS mâu thuẫn nhau.
|
Cuộc chiến chống IS sẽ kéo dài và tốn kém. (Ảnh: AP)
|
Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Su 24 của Nga hôm 24/11 ở biên giới Syria vì cho rằng máy bay này đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ gây căng thẳng cho quan hệ hai nước mà còn làm phân tán lực lượng trong liên minh quốc tế chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Trung Đông.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Nga và các nước trong liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu đang tăng cường đánh phá các mục tiêu của IS. Các cuộc tấn công quân sự do Nga tiến hành đang thu được kết quả tích cực.
IS được hưởng lợi nhất
Kẻ được hưởng lợi trước hết trong vụ việc này không ai khác chính là IS và các nhóm khủng bố. Từ lâu, những mâu thuẫn về lợi ích của các quốc gia tham gia chống khủng bố luôn là điều mà các thế lực khủng bố lợi dụng. Thời gian gần đây, các lực lượng khủng bố không tiếc công sức để tiến hành các vụ tấn công gây thương vong lớn cho Nga và các nước như đánh bom chiếc máy bay A-321 của Nga, đánh bom ở Beirut và Paris. Trong bối cảnh đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 đã gây thiệt hại cho Nga và cũng là điều mà IS mong chờ. Vụ việc này khiến Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bị chia rẽ khi cả 2 đều đang tiến hành hành động quân sự chống IS. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO nên hành động của Thổ Nhĩ Kỳ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ NATO - Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo sự hợp tác giữa Nga và liên quân do Mỹ dẫn đầu (trong đó có nhiều nước thành viên NATO) trong cuộc chiến chống IS ở Syria sẽ chấm dứt nếu như tiếp tục có bất cứ hoạt động quân sự nào chống lại không quân Nga. Đây chính là điều mà IS cần, vì sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris, cộng đồng quốc tế đã hy vọng rằng các cường quốc sẽ quyết tâm tập hợp lực lượng dưới một liên minh duy nhất chống IS. Rõ ràng vụ việc này làm phức tạp thêm tình hình, gây thêm những căng thẳng không cần thiết vào đúng thời điểm có bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống IS. Ông Alan Mendoza, chuyên gia Viện Nghiên cứu Xã hội Anh, nhận định rằng các hành động trả đũa của Nga cũng như những toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến tình trạng đối đầu giữa Nga và NATO tại Syria sẽ trở nên căng thẳng hơn trong thời gian tới, và điều đó hoàn toàn có lợi cho IS.
Mỹ, NATO kêu gọi các bên tập trung vào mối đe dọa từ IS
Cuộc chiến chống IS sẽ bị chệch hướng khi các nước có chung mục tiêu chống IS mâu thuẫn nhau. Điều này càng tồi tệ hơn khi xét trên bình diện rộng, liên minh chống IS gồm 65 quốc gia do Mỹ lãnh đạo đang có sự suy yếu rõ rệt khi một loạt đồng minh Arab lặng lẽ rút lui để dồn sức cho cuộc chiến chống lại các chiến binh nổi dậy Houthi ở Yemen. Nhà nghiên cứu Anthony Cordesman tại Trung tâm quốc tế học chiến lược tại Washington cho biết đó là một liên minh 65 quốc gia nhưng chỉ có khoảng 9 nước thực sự làm gì đó. Các quan chức Washington cũng như Lầu Năm Góc đều thừa nhận sự kém hiệu quả các trận không kích khi thiếu vắng sự hỗ trợ không quân từ các đồng minh Arab như Jordan, Bahrain và UAE.
Tại cuộc họp báo ngày 2/12, người đứng đầu Trung tâm chỉ huy tác chiến Bộ Quốc phòng Nga Sergey Rudskoi thông báo các cuộc không kích của Không quân Nga nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria đã giảm tới một nửa nguồn thu bất hợp pháp của IS từ buôn lậu dầu mỏ. Theo ông Rudskoi, thu nhập của IS từ buôn lậu dầu mỏ lên đến 3 triệu USD mỗi ngày, tương đương 2 tỷ USD mỗi năm, một trong những nguồn thu chính để nuôi sống những kẻ khủng bố IS tại Syria.
Trong khi đó, trong bản tài liệu mới được công bố trên các diễn đàn thánh chiến của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hôm 1/12, tổ chức này lại lớn tiếng đe dọa sẽ mở rộng sang cả Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Afghanistan (và một số nước khác).
Trong bối cảnh này, thay vì lớn tiếng bênh vực Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của mình, cả Nhà Trắng và NATO cùng kêu gọi 2 nước bỏ lại phía sau những tranh cãi ngoại giao, hạ nhiệt căng thẳng và tập trung vào mối đe dọa từ tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thậm chí còn khẳng định Washington hoan nghênh sự tham gia của Nga vào bất kỳ nỗ lực nào nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Syria và Moscow có thể đóng vai trò "xây dựng" ở quốc gia Trung Đông này.
Vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga không chỉ khiến quan hệ 2 nước xấu đi mà còn tạo rào cản không đáng có trong cuộc chiến chống IS cũng như các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết thành công cuộc khủng hoảng ở Syria. Bối cảnh hiện nay cho thấy chỉ khi các bên cùng gạt bỏ bất đồng và liên kết lại thành liên minh vững chắc, bao gồm cả Mỹ, phương Tây, Nga và các đối tác trong khu vực, thì mới tạo nên sức mạnh thống nhất trong liên minh chống IS.