Căng thẳng mới trên chính trường Ukraine

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Sau cuộc bầu cử của phe đối lập ly khai ở miền Đông, tình hình Ukraine có những diễn biến hết sức nguy hiểm, khó lường

(VOV5) - Sau cuộc bầu cử của phe đối lập ly khai ở miền Đông, tình hình Ukraine có những diễn biến hết sức nguy hiểm, khó lường. Hàng loạt động thái từ chính quyền Kiev như ban bố lệnh điều động quân tăng cường đến miền Đông, hủy bỏ quy chế đặc biệt, dừng chi trả ngân sách cho các khu vực đòi độc lập… đang đẩy nước này bên bờ vực một cuộc nội chiến kéo dài.

Sau cuộc đảo chính tháng 2 tại Ukraine, hai nhà nước tự xưng Donetsk và Lugansk đã được thành lập trong một động thái đã dẫn đến sự leo thang của cuộc khủng hoảng Ukraine. Hai tháng sau, lực lượng Ukraine đã phát động một chiến dịch quân sự chống lại những người ủng hộ sự độc lập của khu vực. Một luật trạng thái đặc biệt cho vùng Donbass, bao gồm Donetsk và Lugansk đã được Quốc hội Ukraine thông qua ngày 16/9, sau một thỏa thuận ngừng bắn ngày 5/9 (hay còn gọi là thỏa thuận Minsk) giữa Kiev và những người ủng hộ độc lập ở miền đông Ukraine. Theo đó, vùng Donbass được đảm bảo quyền sử dụng tiếng Nga hay bất kỳ một ngôn ngữ nào khác và dự kiến sẽ tiến hành bầu cử địa phương vào ngày 7/12. Luật này cũng quy định rằng các cuộc bầu cử địa phương theo đúng luật pháp Ukraine sẽ diễn ra tại các khu vực này trong tháng 12. Tuy nhiên, các nước cộng hòa tự xưng đã tổ chức các cuộc bầu cử lựa chọn lãnh đạo và Quốc hội của riêng mình vào hôm 2/11.

Căng thẳng mới trên chính trường Ukraine - ảnh 1
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko kêu gọi bầu cử mới ở miền Đông Ukraine. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính quyền Ukraine đã lên án các cuộc bầu cử này và coi đó là bất hợp pháp. Mỹ, EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng tuyên bố không công nhận kết quả các cuộc bầu cử của lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraine.

Cáo buộc, đổ lỗi cho nhau

Sau kết quả bầu cử hôm 2/11, Tổng thống P. Poroshenko cáo buộc lực lượng đòi độc lập ở miền Đông vi phạm thỏa thuận Minsk, đồng thời ký sắc lệnh hủy bỏ đạo luật về việc trao quy chế đặc biệt cho những khu vực ở miền Đông. Trong một động thái được cho là “đổ thêm dầu vào lửa”, Tổng thống P.Poroshenko chỉ thị cho các tư lệnh quân đội điều thêm những đơn vị mới tới bảo vệ các thành phố ở miền đông trước cuộc tấn công tiềm tàng của lực lượng ly khai. Trước đó, chính quyền Kiev cũng tuyên bố tạm thời dừng chi trả ngân sách cho các khu vực đòi độc lập ở hai tỉnh miền Đông Donetsk và Lugansk. Hiện, các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng đòi độc lập vẫn đang cần ngân sách từ trung ương.

Căng thẳng mới trên chính trường Ukraine - ảnh 2
Đông đảo người dân đã đi bầu cử ở Donetsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, lãnh đạo ly khai cũng lên tiếng cáo buộc chính quyền Kiev vi phạm trắng trợn thỏa thuận hòa bình khi đình chỉ “luật tình trạng đặc biệt” cho miền đông. Tuyên bố cho rằng việc thông qua các dự luật đã thống nhất trước đó, như dự luật về ân xá cho những người tham gia hoạt động vũ trang ở đông nam Ukraine là nghĩa vụ của Kiev. Vì vậy, hành động của Kiev này đồng nghĩa với việc thỏa thuận Minsk đã bị "xóa bỏ." Chính quyền Donetsk và Lugansk cũng khẳng định sẽ không hành động theo ý của chính quyền Trung ương và cho rằng trước đó Tổng thống Poroshenko rút đi một số điều khoản của thỏa thuận.

Nguy cơ lún sâu hơn vào khủng hoảng

Rõ ràng là việc cương quyết theo đuổi tham vọng độc lập bất chấp sự phản đối của chính quyền Kiev của hai nhà nước tự xưng ở miền Đông nước này đang khiến cho tình hình Ukraine lún sâu hơn vào khủng hoảng. Không chỉ vậy, bất đồng về quan điểm trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng của các chính đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine hôm 26/10 cũng đang là rào cản lớn cho việc thiết lập một nền hòa bình cho miền Đông Ukraine. Trong khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko chú trọng các giải pháp ngoại giao với miền Đông, Thủ tướng Arseny Yatsenyuk lại muốn sử dụng các giải pháp quân sự và coi trọng việc khôi phục chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Cùng với đó, việc Nga ủng hộ và công nhận cuộc bầu cử của các lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine đã đào sâu thêm những bất đồng tồn tại không chỉ giữa Kiev và Moscow trong thời gian qua mà còn khiến cuộc chiến ngoại giao giữa Nga và phương Tây ngày một trở nên tồi tệ hơn. Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại, Mỹ và EU có thể sẽ lấy cớ Moscow công nhận kết quả cuộc bầu cử ở miền Đông để áp đặt thêm biện pháp trừng phạt đối với Nga. Đổi lại, chính quyền Ukraine có thể nối lại hoạt động quân sự ở miền Đông, phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn.

Một năm kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát dẫn tới sự ra đi của Tổng thống Viktor Yanukovych, dẫu người dân nước này rất muốn lật qua một trang sử mới, trang sử thời hậu Yanukovych để gần hơn với Chây Âu. Nhưng cho đến nay, cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng rơi vào bế tắc. Nền kinh tế kiệt quệ, xung đột vũ trang làm cho người dân miền Đông lâm vào cảnh khốn cùng do không có việc làm, lương hưu hay những nhu yếu phẩm khác. Cái chết của một người đàn ông Ukraine tự tử giữa đường cách đây vài hôm đã gióng lên hồi chuông báo động về sự bế tắc không lối thoái của người dân. Tuy nhiên, từ những diễn biến hiện nay, việc tìm kiếm giải pháp để đưa quốc gia Đông Âu này thoát khỏi vũng lầy khủng hoảng vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi./.



Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu