Can thiệp quân sự vào Syria – Hệ lụy khó lường hết

Chia sẻ
(VOV5) - Bất chấp các kết luận chính thức về việc sử dụng vũ khí hoá học tại Syria còn chưa được Liên hợp quốc công bố thì những phát ngôn và hành động dồn dập của  Mỹ và các đồng minh trong những ngày qua cho thấy một chiến dịch can thiệp quân sự đầy mạo hiểm nhằm vào Syria đã sẵn sàng. Liệu đây có phải là quyết định khôn ngoan hay không?

(VOV5) - Bất chấp các kết luận chính thức về việc sử dụng vũ khí hoá học tại Syria còn chưa được Liên hợp quốc công bố thì những phát ngôn và hành động dồn dập của  Mỹ và các đồng minh trong những ngày qua cho thấy một chiến dịch can thiệp quân sự đầy mạo hiểm nhằm vào Syria đã sẵn sàng. Liệu đây có phải là quyết định khôn ngoan hay không?

Can thiệp quân sự vào Syria – Hệ lụy khó lường hết - ảnh 1
Tàu USS Ramage (Ảnh: Navyformoms)

Những động thái chuẩn bị cho chiến tranh đã hiển hiện rõ ràng ở Syria và khu vực Trung Đông. Vũ khí trên chiến hạm của Mỹ và các căn cứ quân sự của các nước NATO ở tư thế sẵn sàng khai hỏa vào các địa điểm đã được lựa chọn sẵn. 4 tàu khu trục của hải quân Mỹ đã xuất hiện tại khu vực đông Địa Trung Hải, gồm USS Barry, USS Gravely, USS Mahan và USS Ramage để có thể đáp ứng bất cứ lựa chọn nào của Tổng thống Barak Obama. Chiến đấu cơ và khí tài quân sự của Anh được điều động đến căn cứ không quân Akrotiri trên đảo Síp, cách Syria chưa đầy 160 km. Israel, đồng minh số 1 của Mỹ ở Trung Đông, cũng triển khai toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa với hệ thống phòng không tầm ngắn Vòm Sắt, tên lửa đánh chặn tầm trung Patriot và tên lửa đánh chặn tầm xa Arrow II. Nội các Israel đã thông qua lệnh động viên một phần quân dự bị để triển khai tới các đơn vị đồn trú ở khu vực phía bắc, giáp giới với Liban và Cao nguyên Golan, mà Israel chiếm của Syria trong cuộc chiến tranh năm 1967.


Thậm chí, kịch bản của cuộc tấn công cũng được tiết lộ. Theo đó, các cuộc tấn công diễn ra chớp nhoáng, nhằm vào các mục tiêu quân sự của Syria với sự tham gia của tên lửa hành trình phóng từ biển hoặc máy bay ném bom tầm xa. Hãng tin NBC của Mỹ trích lời các quan chức nước này cho biết các cuộc tấn công sẽ có phạm vi giới hạn, nhằm chuyển tải thông điệp tới Tổng thống Syria Bashar Assad hơn là làm suy yếu khả năng quân sự của chính quyền Damacus. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama, ngày 28/8, biện minh rằng bất kỳ hành động nào của Mỹ chỉ là nhằm cảnh báo Syria không được sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa. Khả năng chọn giải pháp can thiệp quân sự là rõ ràng khi song song với việc điều động quân đội, Mỹ đồng thời hủy bỏ cuộc gặp đã được ấn định trước đó với Nga để thảo luận tìm giải pháp hòa bình cho Syria.


Tuy nhiên, Syria không phải là mục tiêu dễ dàng bị đánh gục. Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem tuyên bố nước ông sẽ tự vệ bằng mọi nguồn lực sẵn có nếu bị tấn cộng. Thậm chí một quan chức quân đội cấp cao của Syria khẳng định rõ một cuộc chiến tranh toàn diện chống lại Syria sẽ cấp giấy phép để nước này tấn công Israel. Syria bị tấn công như thế nào thì Israel cũng sẽ chịu hậu quả tương tự. Hơn nữa, theo các nhà phân tích, tấn công Syria sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với khu vực Trung Đông vốn đầy bất ổn. Cuộc khủng hoảng Syria rất phức tạp với nhiều mối quan hệ và mâu thuẫn bè phái, sắc tộc và tôn giáo đan xen. Đây không chỉ là cuộc xung đột nội bộ mà là một cuộc xung đột trên cấp độ khu vực với sự can dự trực tiếp của các lực lượng đến từ các nước láng giềng cũng như các nhóm Hồi giáo cực đoan, các mạng lưới thánh chiến và khủng bố toàn cầu. Cuộc xung đột tại Syria nếu càng mở rộng thì càng gây biến động tới các nước láng giềng như Lebanon, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, thậm chí lan rộng hơn.


Vì vậy, sau cuộc họp vào cuối ngày 28/08, 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã không thể nhất trí về đề xuất của Anh kêu gọi sử dụng vũ lực để can thiệp vào Syria do Nga và Trung Quốc bỏ phiếu phản đối. Trước đó, Nga cũng khẳng định còn quá sớm để Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tính đến biện pháp phản ứng đối với Syria trước khi các thanh sát viên của LHQ tại Syria công bố kết quả điều tra. Trung Quốc bày tỏ quan điểm rằng lối thoát duy nhất cho vấn đề Syria là một giải pháp chính trị. Ngay tại nước Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ John Boehner đề nghị Tổng thống Barak Obama làm rõ câu hỏi liệu tấn công quân sự vào Syria có đảm bảo hơn cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ hay không ?. Trước đó, kết quả một cuộc thăm dò công luận ở Mỹ cho thấy 60% số người được hỏi phản đối can thiệp quân sự vào Syria. Tại Đức, Đảng cánh tả đối lập kêu gọi rút các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot của quân đội nước này khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Nhật báo của Vatican thì chỉ trích các cường quốc thế giới vì chuẩn bị cho khả năng tấn công quân sự Syria và cảnh báo việc này có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn tương tự như ở Iraq sau khi Mỹ phát động cuộc chiến lật đổ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein năm 2003.


Dư luận cho rằng nếu Mỹ và đồng minh thực sự quan tâm tới việc chấm dứt cuộc chiến tại Syria thì thay vì chọn giải pháp quân sự, họ cần thúc đẩy một lệnh ngừng bắn và đi tới thỏa thuận chính trị. Việc leo thang chiến tranh để giữ thị phần và ảnh hưởng trong khu vực sẽ gây thêm đau khổ cho người dân Syria và gây hậu quả khó lường cho các nước khác ở Trung Đông và Bắc Phi./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu