Đề án cải cách chính sách tiền lương là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội nghị TW 7 khóa XII, khai mạc sáng 7/5, tại Hà Nội. Mục đích lớn nhất của Đề án là tạo ra động lực mới đối với những người có năng lực, trình độ cao chuyên tâm làm việc, góp phần tăng năng suất lao động, thu hút nhân tài vào làm việc tại cơ quan Nhà nước.
Hệ thống bảng lương mới sẽ được thay đổi đối với khu vực công theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo -Ảnh minh họa: TTXVN) |
Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 sẽ thảo luận về thang, bậc lương mới với cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới. Đề án tác động đến hàng triệu công chức, viên chức.
So với lương tối thiểu vùng được Chính phủ công bố áp dụng năm 2018 thì mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu cuộc sống tối thiểu. Chênh lệch thu nhập giữa những người làm công, ăn lương khá cao, còn nhiều khoản thu nhập ngoài lương và quản lý tiền lương chưa thực sự công khai; cơ chế kiểm soát thu nhập còn kém hiệu quả.
Tạo động lực mới để tăng năng suất lao động, thu hút nhân tài
Thay đổi lớn nhất trong Đề án cải cách chính sách tiền lương lần này là ban hành hệ thống bảng lương mới đối với khu vực công theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường. Hệ thống bảng lương mới sẽ được quy định bằng số tiền tuyệt đối thay vì quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở.
Đáng chú ý, thay vì 7 bảng lương như hiện tại, hệ thống bảng lương mới sẽ rút gọn chỉ còn 5 bảng lương, gồm: 2 bảng lương cho công chức, viên chức và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ tiền lương, Bộ Nội vụ cho rằng: Khi mà thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết cải cách của Trung ương thì tiền lương của cán bộ công chức sẽ được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên sẽ có sự sắp xếp lại giữa các ngành nghề và đảm bảo tính ưu tiên để khuyến khích ngành nghề và sẽ tạo ra mặt bằng mới, tất cả cán bộ, công chức đều được tăng lương.
Theo ông Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chính sách tiền lương này cần làm rõ mục tiêu thiết kế lại hệ thống lương, phụ cấp cho cả hệ thống chính trị như thế nào; Phân loại cán bộ công chức để thiết kế thang bảng lương phù hợp gắn với hiệu quả chất lượng công tác hàng năm của cán bộ công chức.
"Khi chúng ta phân ra các loại cán bộ công chức như thế, chúng ta sẽ có cơ sở để thiết kế được hệ thống thang lương phù hợp. Từ đó thiết kế được hệ thống phụ cấp thâm niên, hệ thống phụ cấp chức vụ, hệ thống phụ cấp nghề nghiệp thực sự hiệu quả trong việc thực thi công vụ.Ông Toản cho biết,
Đảm bảo tính hiệu quả trong thực tế
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng muốn cải cách được chính sách tiền lương lần này thì việc đầu tiên phải thực hiện là cải cách, đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm một cách tối đa những lĩnh vực dịch vụ công nhưng mà vẫn phải trả lương từ ngân sách Nhà nước: Dịch vụ công phải chuyển sang trả theo kết quả đầu ra và Nhà nước khoán và không nhất thiết phải do Nhà nước làm. Người dân làm được thì phải trả cho người dân. Y tế, giáo dục…việc gì tự chủ được thì phải giao cho người ta làm để giảm biên chế, giảm gánh nặng cho ngân sách. Thứ 2 là phải tinh giản bộ máy hành chính Nhà nước, bộ máy chính trị giống như tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương về đổi mới hệ thống chính trị. Thứ 3 là phải nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước trên cơ sở xây dựng được vị trí việc làm trên cơ sở đúng người, đúng việc.
Đảm bảo 3 yếu tố này sẽ giúp chính sách tiền lương đáp ứng được nhu cầu sống của người làm công ăn lương. Đó cũng chính là đòn bẩy để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu suất phục vụ nhân dân, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực.
Với những cải cách mang tính đột phá, đề án Cải cách chính sách tiền lương được Hội nghị TW 7 khóa XII thảo luận lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt trong lao động, sản xuất, cải thiện đời sống người lao động.