Cách mạng Tháng Tám - Thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Lại Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945) là sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Diễn ra và giành thắng lợi trong một thời gian ngắn, cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại nhiều bài học quý báu, trong đó có bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Bài học này tiếp tục được vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. 

(VOV5) - Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945) là sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Diễn ra và giành thắng lợi trong một thời gian ngắn, cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại nhiều bài học quý báu, trong đó có bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Bài học này tiếp tục được vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. 

Những ngày này, người dân khắp mọi miền đất nước Việt Nam đang sống trong ký ức về không khí hào hùng của cuộc cách mạng Tháng Tám 70 năm về trước. Ai nấy đều tự hào về thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng đầu tiên trong lịch sử dân tộc.


Cách mạng Tháng Tám  - Thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc - ảnh 1

Hào khí cách mạng tháng Tám. Ảnh: T.L

Đại đoàn kết để giành thắng lợi

 Ở tuổi ngoài 90, ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng khóa 6, nguyên Trưởng đoàn đại biểu cách mạng Hà Nội đi dự “Quốc dân Đại hội” tại Tân Trào, đánh giá cao thành quả của cách mạng Tháng Tám 1945. Chỉ với 5 nghìn đảng viên, thông qua Mặt trận Việt Minh, Đảng cộng sản Việt Nam đã tập hợp trên 20 triệu đồng bào làm cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử. Hình ảnh đại đoàn kết dân tộc được thấy rất rõ trong “Quốc dân Đại hội” do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, chỉ 2 ngày trước khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám diễn ra. Ở đó, người ta thấy đại biểu các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, đại biểu 3 miền Bắc, Trung, Nam và đại biểu Việt kiều. “Quốc dân Đại hội” nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ông Vũ Oanh nhấn mạnh: "Đại hội Quốc dân Tân Trào là Đại hội của Đoàn kết, đại đoàn kết cả dân tộc. Ngoài  Hà Nội, các địa phương chỗ nào có phong trào cử đại biểu đến dự, trong đó có cả đại biểu là người Việt ở nước ngoài. Chủ tịch Hồ Chí Minh quy tụ đại biểu, đặt vấn đề đại đoàn kết để giành thắng lợi. Khẩu hiệu "Đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” và phải dựa vào dân, phát huy sức dân để giành thắng lợi và có dân là có tất cả. Dân làm chủ cách mạng và dân đẩy cách mạng đi tới thắng lợi”.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đánh dấu bước ngoặt lịch sử, là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi này đã chứng tỏ nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt là, Đảng cộng sản Việt Nam đã xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là, khối đại đoàn kết toàn dân, nòng cốt là liên minh công - nông - trí thức; trên cơ sở lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để tổ chức, tập hợp họ vùng lên đấu tranh “lấy sức ta giải phóng cho ta”. Vì thế, Cách mạng Tháng Tám đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy với đông đảo lực lượng tham gia, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp trong cả nước. Cuộc tổng khởi nghĩa đó tiêu biểu cho sức mạnh dân tộc và khối đại đoàn kết toàn dân. Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn cho rằng: "Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp thì cao trào Cách mạng lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi sát sao cuộc vận động dân tộc chúng ta. Trong quá trình vận động đoàn kết dân tộc dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh, của Đảng cộng sản, từ đó đặt ra vấn đề cách mạng phải phát động toàn dân, nêu cao ngọn cờ dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân, bất cứ công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản...ai có tinh thần yêu nước đều được động viên tham gia các hoạt động cứu quốc của Việt Minh".

Đoàn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc     

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam đã đoàn kết các tầng lớp, giai cấp, tạo sức mạnh tổng hợp làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám 1945, cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, đáng chú ý là các thế lực thù địch chống phá quyết liệt bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Điều đó đặt ra những yêu cầu mới đối với việc xây dựng khối đại đoàn kết là phát huy sức mạnh toàn dân tộc để bảo vệ Tổ quốc. Ông Phạm Thế Duyệt khẳng định: Đảng và Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục nêu cao chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc: "Tôi nghĩ nếu phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thì Đảng phải đoàn kết, lãnh đạo của Trung ương phải đoàn kết, phải là tấm gương cho bên dưới. Nhân dân đòi hỏi Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện cho được đường lối, nghị quyết đề ra, làm tốt cái đó chúng ta tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tranh thủ được nhân dân thế giới làm ăn với chúng ta, chúng ta hội nhập mà không bị hòa tan, điều đó là điều quan trọng về bài học đại đoàn kết”.

Suốt 70 năm qua, Cách mạng Tháng Tám luôn song hành cùng lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có ý nghĩa sâu sắc về lý luận và thực tiễn đối với các thời kỳ phát triển tiếp theo của cách mạng Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu