Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào mùa thu năm 1945 đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản vận mệnh của đất nước và dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã khẳng định vai trò quan trọng của Đảng cộng sản Việt Nam trong việc đề ra đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn, tập hợp đoàn kết lực lượng của toàn dân tộc và có phương pháp đấu tranh thích hợp tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng thời động viên nhân dân cả nước giành thắng lợi. Những bài học này vẫn còn nguyên giá trị và đang được phát huy mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay.
Nhân dân Hà Nội biểu tình chiếm phủ Khâm sai Bắc Kỳ (Bắc Bộ Phủ) tại số 12 Ngô Quyền, Hà Nội, trong ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945. Ảnh tư liệu: baodansinh.vn |
Chỉ trong hơn 10 ngày, Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân cả nước đập tan ách nô lệ gần 1 thế kỷ, cởi bỏ gông xiềng hàng nghìn năm phong kiến để giành độc lập dân tộc, lập lên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Vào thời điểm ấy, Đảng cộng sản Việt Nam chỉ mới 15 tuổi. Chỉ với 5 nghìn đảng viên, Đảng đã lan tỏa lý tưởng độc lập tự do đến 20 triệu đồng bào, quy tụ người dân cả nước nhất tề đứng dậy giành lấy chính quyền. Khối đại đoàn kết toàn dân, nòng cốt là liên minh công-nông-trí thức; trên cơ sở lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để tổ chức, tập hợp họ vùng lên đấu tranh “lấy sức ta giải phóng cho ta” đã làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp Hội đồng lý luận Trung ương, đánh giá: “Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một minh chứng điển hình cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy được lòng yêu nước đó là một giá trị truyền thống rất quan trọng làm nên sức mạnh của cả dân tộc. Cuộc cách mạng ấy, lại khai sinh ra được một chính thể hoàn toàn thể hiện quyền lực của nhân dân sau ngót 1 thế kỷ bị nô lệ áp bức và cũng là hàng ngàn năm trong chế độ quân chủ phong kiến đã lỗi thời.”
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ảnh tư liệu: hanoimoi.com.vn |
Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đã để lại bài học quý báu, nhất là bài học về lấy dân làm gốc, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam kể từ mùa thu năm ấy.
Cách mạng Tháng Tám cũng cho thấy bài học có ý nghĩa quyết định về sự lãnh đạo kiên quyết, sáng suốt và kịp thời của Ðảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những thời khắc lịch sử của dân tộc. Vai trò lãnh đạo của Ðảng được thấy rõ ở tinh thần trách nhiệm cao, sự năng động, chủ động, sáng tạo của các đảng bộ địa phương, của các đảng viên kiên trung, đã bảo đảm cho Ðảng sự lãnh đạo, điều hành tập trung, thống nhất ở giờ phút quyết định của lịch sử trong cả nước. Ông Vũ Quang Vinh, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: “Về nghệ thuật lãnh đạo, việc nắm bắt thời cơ của Đảng, có thể nói rằng là Đảng đã chủ động tạo ra thời cơ và nắm bắt thời cơ kịp thời, lãnh đạo toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa tháng Tám. Bài học rất quan trọng là phải theo dõi, quán triệt tình hình cũng như là chủ trương của Đảng. Từ đó vận dụng vào trong điều kiện cụ thể, chủ động mà lãnh đạo nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng. Trong quá trình thực hiện cũng phải theo dõi quan sát tình hình chung và trong nước và thế giới về mới có thể giành thắng lợi. Còn nếu cách mạng nổ ra trong điều kiện và thời cơ chưa đến thì cũng không thắng lợi được”.
Thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 cũng cho thấy bài học quý báu là Đảng ã là đã đề ra đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn, đã tập hợp đoàn kết lực lượng của toàn dân tộc trong Mặt trận Việt Minh, lựa chọn và kết hợp đúng đắn các hình thức tuyên truyền, tổ chức và phương pháp đấu tranh thích hợp tạo nên sức mạnh tổng hợp; xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, thúc đẩy phong trào, đồng thời dự kiến và chớp đúng thời cơ hành động. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Đăng Tri, Khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì trong giai đoạn hiện nay, bài học về sự lãnh đạo của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám cần được phát huy: “Thành lập Đảng, Cách mạng Tháng Tám; 2 cuộc kháng chiến và đặc biệt là công cuộc đổi mới, những cái đó chúng ta phải tự hào và phải luôn khẳng định những bước ngoặt sáng tạo đó không đơn giản, phải là kết quả của trí tuệ, tâm huyết của Đảng đối với nhân dân, đối với dân tộc. Do đó, không được chủ quan, tôi nghĩ Đảng phải tự mình nhìn thẳng vào sự thật để nghiêm túc đề phòng, không “ngủ trên chiến thắng” để có những biện pháp cách thức rèn luyện, chỉnh đốn Đảng một cách thiết thực hơn”.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã cho thấy năng lực, nghệ thuật lãnh đạo, việc nắm bắt thời cơ và sức chiến đấu của Ðảng cộng sản Việt Nam trong những thời khắc lịch sử, quan trọng của đất nước, dân tộc. Ðó là những bài học quý, còn nguyên giá trị trong việc xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, đáp ứng công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.