Brazil trong vòng xoáy sóng gió chính trường và suy thoái kinh tế

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Sau nhiều tranh cãi, Thượng viện Brazil ngày 11/5 đã chính thức bước vào phiên họp toàn thể để bỏ phiếu đình chỉ Tổng thống nước này Dilma Rousseff liên quan tới cáo buộc vi phạm luật ngân sách quốc gia.

(VOV5) - Sau nhiều tranh cãi, Thượng viện Brazil ngày 11/5 đã chính thức bước vào phiên họp toàn thể để bỏ phiếu đình chỉ Tổng thống nước này Dilma Rousseff liên quan tới cáo buộc vi phạm luật ngân sách quốc gia. Sự việc này cho thấy Brazil đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử và tác động không nhỏ tới việc phát triển kinh tế của quốc gia Nam Mỹ.

Brazil trong vòng xoáy sóng gió chính trường và suy thoái kinh tế - ảnh 1
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff (Nguồn: AFP)


Phiên họp của Thượng viện Brazil bắt đầu vào khoảng 13h theo giờ GMT ngày 11/5. 81 thượng nghị sỹ tiến hành bỏ phiếu để có quyết định cuối cùng về việc đình chỉ chức Tổng thống của bà Rousseff và bắt đầu tiến trình luận tội nhà lãnh đạo này. Chỉ cần 41 trong 81 thượng nghị sỹ thông qua việc bắt đầu thủ tục luận tội, Tổng thống Brazil sẽ bị đình chỉ vai trò lãnh đạo trong 6 tháng và Phó Tổng thống Michel Temer sẽ tạm thời lên thay thế. Tuy nhiên Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros đánh giá quá trình luận tội bà Rousseff sẽ rất "lâu dài và gian khó".


Gần 1 tháng trước,  ngày 17/4, Hạ viện Brazil cũng đã bỏ phiếu thông qua việc tiến hành luận tội Tổng thống Rousseff mặc dù người đứng đầu nhà nước không bị điều tra hay có bất cứ cáo buộc nào liên quan tới tham nhũng.


Phản đối các cáo buộc  


Trước các cáo buộc vi phạm luật ngân sách quốc gia, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff tố cáo Phó Tổng thống Michel Temer và cựu Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha là những người cầm đầu âm mưu đảo chính hiện đại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới Hiến pháp. Bà Rousseff cho rằng những gì đang diễn ra là một quá trình bầu cử không trực tiếp mà các cử tri không có quyền lựa chọn.        


Trong khi đó những người ủng hộ tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã đốt các rào chắn và chặn các con đường trên toàn quốc ngày 10/5, gây ách tắc giao thông trên diện rộng để phản đối việc luận tội bà. Cảnh sát Brazil đã lập rào chắn trên 14 tuyến đường cao tốc tại 26 bang của Brazil và quận Liên bang nơi có thủ đô Brasilia. Tại Rio de Janeiro, người biểu tình dựng rào chắn tại một con đường chính nối thành phố này với Sao Paulo.


Cuộc biểu tình chống luận tội được tổ chức bởi tổ chức cánh tả Mặt trân chung Brazil. Trong thông điệp trên Facebook, tổ chức này khẳng định sẽ chiến đấu ở khắp mọi nơi để bảo vệ nền dân chủ. Brazil nói không với cuộc đảo chính. Cùng ngày, Tổng công tố Eduardo Cardozo cũng yêu cầu Tòa án tối cao bãi bỏ quá trình luận tội Tổng thống với lý do việc này mang động cơ chính trị và không có cơ sở pháp lý.


Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) Luis Almagro thông báo sẽ có cuộc tham vấn tư pháp với Tòa án Nhân quyền liên Mỹ về quá trình luận tội Tổng thống Rousseff. Ông khẳng định Tổ chức các nước châu Mỹ có nghĩa vụ quan sát việc thực thi dân chủ ở khu vực, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình trạng an ninh tư pháp của Brazil.


Theo ông Almagro, Tổng thống Brazil thực sự đã không phụ sự tin tưởng của cử tri trong suốt thời gian nắm quyền.


Khó khăn chồng chất đối với Brazil


Theo giới quan sát, việc bà Dilma Rousseff đi hay ở không thể giải quyết tận gốc rễ những vấn đề còn tồn đọng ở Brazil. Chuyên gia Brazil Brian Winter từ tổ chức Americas Society and Council of the Americas cho rằng không ai chiến thắng trong buổi luận tội bà Rousseff, bởi ngay cả Quốc hội Brazil cũng không còn được người dân tin tưởng khi trong tổng số 594 thành viên Quốc hội có tới 352 nghị sỹ bị cáo buộc sai phạm.


Trong khi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Brazil được coi là một trang tồi tệ nhất trong lịch sử thì quốc gia Nam Mỹ này cũng đang trải qua thời kỳ suy thoái lớn nhất kể từ những năm 1930 và bê bối tham nhũng ở công ty dầu khí quốc doanh Petrobras. Hiện nay, kinh tế Brazil đang chìm sâu trong vòng xoáy suy thoái với mức thâm hụt ngân sách lên tới 11% GDP. Dịch Zika đang lây lan ở các bang miền Đông Bắc.


Để chèo lái đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị hiện tại, hàng loạt thách thức đặt lên vai người đứng đầu ở Brazil như cải cách hệ thống chính trị, kiểm soát chi tiêu công, chấn chỉnh hệ thống thuế và thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây là những thách thức không dễ giải quyết đối với bất kỳ chính trị gia nào. Xem ra cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Brazil càng khiến cho việc giải quyết vấn đề kinh tế trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu