Bầu cử Tổng thống Mỹ: Cuộc đua chưa ngã ngũ

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Hôm qua, đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama và đối thủ đảng cộng hòa Mittt Romney đã gặp nhau trở lại trong cuộc tranh luận tay đôi trên truyền hình. Cuộc tranh luận này diễn ra chỉ 2 tuần sau cuộc đối đầu đầu tiên, tập trung chủ yếu vào các vấn đề bên trong nước Mỹ. Hiện, cả hai đối thủ đều đang có tỷ lệ cử tri ủng hộ rất sát sao trong các cuộc thăm dò tỷ lệ phiêu bầu, khiến cho dự báo ai sẽ dành chiến thắng trong cuộc bầu của ngày 6/11 tới càng trở nên khó đoán định.

(VOV5) - Hôm qua, đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama và đối thủ đảng cộng hòa Mittt Romney đã gặp nhau trở lại trong cuộc tranh luận tay đôi trên truyền hình. Cuộc tranh luận này diễn ra chỉ 2 tuần sau cuộc đối đầu đầu tiên, tập trung chủ yếu vào các vấn đề bên trong nước Mỹ. Hiện, cả hai đối thủ đều đang có tỷ lệ cử tri ủng hộ rất sát sao trong các cuộc thăm dò tỷ lệ phiêu bầu, khiến cho dự báo ai sẽ dành chiến thắng trong cuộc bầu của ngày 6/11 tới càng trở nên khó đoán định.

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Cuộc đua chưa ngã ngũ - ảnh 1

Cuộc tranh luận lần thứ 2 được đánh giá là diễn ra gay gắt hơn cuộc tranh luận lần đầu hôm 4/10. Các nội dung chính được đề cập trong cuộc tranh luận lần này bao gồm kinh tế, việc làm, năng lượng, thuế, nhập cư, kiểm soát súng đạn và một số vấn đề đối ngoại. Khác với lần đầu, ứng cử viên đương kim tổng thống Mỹ Obama đã dành thế chủ động khi nhấn mạnh đến thành tích trong 4 năm cầm quyền đã tạo ra được 5,2 triệu việc làm, đề cập đến các vấn đề liên quan thiết thân đến đời sống của người dân Mỹ như cắt giảm thuế, trợ cấp cho phụ nữ, phúc lợi y tế. Ngược lại, ứng cử viên Romney cũng tận dụng mọi cơ hội để xoáy vào những điểm yếu của ứng cử viên Obama trong lĩnh vực đối nội như các khoản nợ công, chính sách phát triển năng lượng. Ông Romney chỉ trích chính sách kinh tế không hiệu quả của chính quyền Obama đã đẩy 20 triệu người vào tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, đồng thời cam kết sẽ tạo ra 12 triệu việc làm trong 4 năm tới, nếu đắc cử Tổng thống. Cựu thống đốc Romney cho rằng Nhà Trắng phải chịu trách nhiệm về tình trạng kinh tế trì trệ hiện nay và chỉ trích ông Obama về cách thức quản lý nền kinh tế, khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng mạnh. Trong khi đó, ông Obama cáo buộc đối thủ cố tình xuyên tạc các chính sách của chính quyền, đồng thời khẳng định các chính sách đã phát huy hiệu quả. Ông Obama cho rằng đại diện của đảng Cộng hòa là một người không kiên định khi thay đổi lập trường về vấn đề năng lượng, đã từng phản đối việc khai thác than đá nhưng nay lại chuyển sang ủng hộ việc này.

Trên lĩnh vực đối ngoại, hai chủ đề được đề cập đến là vụ đại sứ và 3 nhân viên ngoại giao bị sát hại tại Lybia và quan hệ thương mại với Trung Quốc. Nếu như ông Romney chỉ trích chính quyền Obama xem nhẹ việc tăng cường đảm bảo an ninh cho các nhân viên ngoại giao Mỹ, cho rằng chính sách về Trung Đông của chính quyền Obama đang đổ vỡ, không mạnh tay trong quan hệ với Trung Quốc để quốc gia này thao túng tiền tệ, gây tổn hại đến sức cạnh tranh của hàng hóa Mỹ, thì Tổng thống Obama phản công lại bằng cáo buộc ông Romney từ khi là Giám đốc công ty tư nhân Bain Capital đã không chú ý đến việc làm của người lao động Mỹ bằng việc xuất khẩu việc làm của người Mỹ sang thị trường Trung Quốc.

Có thể nói, lợi thế của ông Romney trong phiên tranh luận thứ nhất cách đây hai tuần khiến trước thềm cuộc chạm trán thứ 2 tại Đại học Hofstra ở thành phố New York, sẽ đầy kịch tính. Bởi, đương kim Tổng thống Obama sẽ phải tận dụng tối đa cơ hội này để "ghi điểm” trong bối cảnh đối thủ đảng Cộng hòa Romney đã xuất sắc vượt lên trước trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây trên toàn quốc. Và thực tế, đúng như dự đoán, cuộc tranh luận đã diễn ra đầy hứng khởi kể từ phút đầu tiên cho đến phút thứ 90 của màn “cân não”. Theo đánh giá chung của giới phân tích, trong lần tranh luận này, Tổng thống Obama đã thể hiện một phong cách mạnh mẽ hơn hẳn so với lần đầu và ghi điểm trong mắt cử tri. Thăm dò dư luận ngay sau cuộc tranh luận cho thấy, 46% người theo dõi qua truyền hình cho rằng ông Obama đã lật ngược thế cờ dành chiến thắng trong cuộc tranh luận, trong khi 39% ủng hộ ứng cử viên Romney. 73% bày tỏ ông Obama đã thể hiện tốt hơn họ mong đợi và 37% ý kiến nhận xét tương tự về ông Romney. Tuy nhiên, trong một cuộc thăm dò khác do Reuters/Ipsos tiến hành ngẫu nhiên đối với 1.700 người, các cử tri Mỹ nhìn chung lại đang đánh giá ông Romney cao hơn Tổng thống Obama trong nhiều vấn đề then chốt như kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách liên bang. Không chỉ vậy, trong các vấn đề đối ngoại vốn được coi là "lãnh địa" của ông Obama, thì ông Romney cũng đang tại được những bước bứt phá ngoạn mục. Theo kết quả thăm dò của Reuters/Ipsos, hiện ông Romney đang thu hẹp đáng kể khoảng cách với Tổng thống Obama trong vấn đề hồ sơ hạt nhân Iran khi tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên này chỉ còn cách biệt 1%, so với mức 9% cách đây hai tuần. Tương tự như vậy với cuộc chiến chống khủng bố khi khoảng cách giữa ông Obama và ông Romney giảm từ 11% xuống còn 3%. Tuy nhiên, số liệu thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos cho thấy ông Obama vẫn đang dẫn trước đối thủ Romney với tỷ lệ 41,5% và 39,1% trong lĩnh vực thuế; 40,9% và 37% về chính sách an ninh xã hội.

Theo kế hoạch, sau phiên tranh luận này, phiên tranh luận cuối cùng về chính sách ngoại giao sẽ diễn ra vào ngày 22/10. Đây sẽ là những cơ hội cuối cùng cho các ứng cử viên trong việc thu hút lá phiếu của cử tri Mỹ, đặc biệt là những người vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai. Giới phân tích nhận định, tuy cùng chịu sức ép nhưng áp lực đối với mỗi ứng cử viên sẽ không giống nhau qua từng lần đối thoại. Thông thường, số lượng theo dõi các cuộc tranh luận sẽ giảm dần sau mỗi cuộc. Điều này đồng nghĩa với việc khó có thể đoán định được ai sẽ dành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 6/11 tới./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu