Bầu cử Thượng viện Nhật Bản – cơ hội lớn cho đảng Dân chủ Tự do

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Cuối tuần này, ngày 21/07, cử tri Nhật Bản sẽ đi bỏ phiếu bầu Thượng viện. Đây là sự kiện quan trọng trên chính trường Nhật Bản, là cơ hội lớn để đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền có thể giành được ưu thế tại Thượng viện, tạo thuận lợi cho việc triển khai các chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe, sau hơn nửa năm lên cầm quyền.
(VOV5) - Cuối tuần này, ngày 21/07, cử tri Nhật Bản sẽ đi bỏ phiếu bầu Thượng viện. Đây là sự kiện quan trọng trên chính trường Nhật Bản, là cơ hội lớn để đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền có thể giành được ưu thế tại Thượng viện, tạo thuận lợi cho việc triển khai các chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe, sau hơn nửa năm lên cầm quyền.

Bầu cử Thượng viện Nhật Bản – cơ hội lớn cho đảng Dân chủ Tự do - ảnh 1
Thủ tướng Shinzo Abe quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Thượng viện (Ảnh: internet)

Theo Hiến định, nhiệm kỳ của Thượng viện Nhật Bản kéo dài 6 năm và 3 năm phải bầu lại một nửa số ghế thượng nghị sĩ. Tham gia cuộc đua quyết liệt năm nay có khoảng 430 ứng cử viên, tranh cử vào 121 ghế. Hiện tại, LDP cầm quyền và đối tác trong liên minh là đảng Công minh Mới (NKP) đã có 59 ghế không phải bầu lại. Tuy nhiên LDP cần giành thêm ghế trong cuộc bầu cử để có một đa số tối thiểu. Nguyên nhân là vì, khác với Hạ viện, nơi đảng Dân chủ tự do cầm quyền nắm số ghế áp đảo, LDP lại không thể kiểm soát Thượng viện. Điều này đã khiến chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe gặp không ít khó khăn trong việc xúc tiến chương trình nghị sự tại Quốc hội. Năm 2007, việc LDP thất bại trong cuộc bầu cử Thượng viện đã khiến ông Shinzo Abe phải rời ghế Thủ tướng.

Vì vậy, quyết tâm giành chiến thắng tại Thượng viện được LDP cụ thể hoá bằng nhiều hành động. Trước hết, LDP đã đưa ra cương lĩnh tranh cử rõ ràng với những mục tiêu cụ thể, đáp ứng tâm lý cử tri. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền cam kết đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình 2% và tăng gấp đôi thu nhập của nhà nông trong vòng 10 năm tới. LDP cũng cam kết thúc đẩy các đề xuất sửa đổi Hiến pháp bao gồm việc xét lại Điều 96 nhằm nới lỏng các quy định về cải cách Hiến pháp cũng như nỗ lực tối đa giành sự ủng hộ của công chúng tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân sau khi đã được khẳng định về độ an toàn. Trong khi đặt mục tiêu kích hoạt một đạo luật tăng cường khả năng cạnh tranh công nghiệp của Nhật Bản, chính đảng do Thủ tướng Shinzo Abe lãnh đạo cũng cam kết cắt giảm thuế đầu tư của doanh nghiệp, khẳng định kiên trì mục tiêu đạt thặng dư trong cân đối tài chính giữa các chính quyền trung ương và địa phương từ nay đến năm 2020. Về đối ngoại, LDP cho biết sẽ thúc đẩy kế hoạch chuyển Căn cứ Không quân Futenma của lính thủy đánh bộ Mỹ sang khu vực thưa dân hơn. LDP cũng cam kết sẽ kiên trì những gì cần được bảo vệ trong đàm phán thương mại tự do Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).  

Một yếu tố nữa được coi là lợi thế của LDP trong cuộc đua vào Thượng viện chính là hiệu quả điều hành đất nước suốt 7 tháng cầm quyền vừa qua của Thủ tướng Shinzo Abe. Đó là những biến động tích cực trên thị trường chứng khoán Tokyo, đồng yên giảm giá sau hàng loạt động thái nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ)  và các khoản chi khổng lồ cho lĩnh vực công.

Những lợi thế này rõ ràng có thể mang lại số phiếu bầu của cử tri ủng hộ LDP bất chấp các đối thủ ra sức công kích chính sách kinh tế mang tên Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe có thể làm ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Cuộc thăm dò dư luận do Hãng tin Kyodo tiến hành qua điện thoại trên toàn quốc cuối tháng 6 cho thấy đảng Dân chủ Tự do (LDP) dẫn đầu các đảng về số cử tri ủng hộ, với 31,1% số người được hỏi ủng hộ đảng này. Trong khi đó, theo kết quả 3 cuộc thăm dò dư luận do tờ "Yomiuri", "Asahi" và Mainichi" tiến hành riêng rẽ, LDP cũng đang nhận được tỉ lệ ủng hộ ở mức cao từ 42-45%, trong khi đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập chỉ nhận được từ 7-9%. Cùng với đó, 54% cử tri tuyên bố ủng hộ chính sách "Abenomics" của Thủ tướng Shinzo Abe so với 31% phản đối.

Bối cảnh Thượng viện và Chính phủ không do một Đảng chi phối diễn ra tại Nhật Bản từ năm 2006. Điều này đã gây không ít khó khăn cho các Chính phủ trong việc triển khai chính sách. Vì vậy, với lợi thế của LDP trong cuộc chạy đua vào Thượng viện ngày 21/07 tới, nhiều khả năng tình thế này sẽ được khắc phục. LDP đang đứng trước cơ hội lớn trong lịch sử để kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu