Bất ổn tại Bosnia-Herzegovina - hệ quả được báo trước

Hồng Vân
Chia sẻ

(VOV5) - Lần đầu tiên sau 20 năm tách khỏi Nam Tư cũ, chấm dứt cuộc chiến tranh sắc tộc 1992 -1995, Bosnia-Herzegovina lại thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi quốc gia này rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng trong những ngày qua. Hàng loạt cuộc biểu tình phản đối chính phủ biến thành bạo động diễn ra với quy mô chưa từng có đã khiến Bosnia-Herzegovina trở thành điểm nóng xung đột mới ở châu Âu. Tuy nhiên đây là cái kết đã được báo trước sau những gì đã diễn ra tại quốc gia đông nam châu Âu suốt thời gian qua.

(VOV5) - Lần đầu tiên sau 20 năm tách khỏi Nam Tư cũ, chấm dứt cuộc chiến tranh sắc tộc 1992 -1995, Bosnia-Herzegovina lại thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi quốc gia này rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng trong những ngày qua. Hàng loạt cuộc biểu tình phản đối chính phủ biến thành bạo động diễn ra với quy mô chưa từng có đã khiến Bosnia-Herzegovina trở thành điểm nóng xung đột mới ở châu Âu. Tuy nhiên đây là cái kết đã được báo trước sau những gì đã diễn ra tại quốc gia đông nam châu Âu suốt thời gian qua.

 

Bất ổn tại Bosnia-Herzegovina - hệ quả được báo trước - ảnh 1
Cảnh sát bất lực đứng nhìn những đám cháy trên đường phố Thủ đô Sarajevo sau cuộc biểu tình phản đối chính phủ biến thành bạo động. Ảnh:anninhthudo.vn


Các cuộc biểu tình bắt đầu tại thành phố Tuzla, trung tâm công nghiệp ở phía Đông Bắc, ngày 5/2, đã nhanh chóng biến thành bất ổn tệ hại khi nó lan sang Thủ đô Sarajevo và hơn 20 thành phố khác. Hàng trăm người Bosnia-Herzegovina bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát. Tòa nhà Hội đồng Tổng thống và một số cơ quan chính quyền khác bị đốt phá. Thị trưởng 3 thành phố Tuzla, Zenica và Sarajevo phải từ chức.

 

Kinh tế kiệt quệ, chính trị chia rẽ: 2 nguyên nhân chính dẫn tới bất ổn

 

Nguyên nhân đầu tiên dẫn tới bất ổn hiện nay tại Bosnia-Herzegovina là tình kinh tế yếu kém kéo dài nhiều năm qua. Dù đã trở thành quốc gia độc lập từ gần 20 năm nay song Bosnia-Herzegovina vẫn là nước nghèo nhất châu Âu. Những người biểu tình cũng giận dữ vì sự thất bại của chính phủ trong việc khắc phục suy thoái kinh tế.

 

Theo điều tra của Ngân hàng Trung ương, tỷ lệ thất nghiệp của Bosnia-Herzegovina thuộc hàng cao nhất ở châu Âu, dao động từ 27,5% - 44%  Trong đó tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lên đến hơn 25% và 1/5 trong tổng số 3,8 triệu người dân hiện sống dưới mức nghèo khổ. Giám đốc khu vực Đông Nam Âu của Ngân hàng thế giới Ellen Goldstein đánh giá rằng đây là những con số gây choáng váng và là vấn đề nghiêm trọng cần phải được giải quyết.

 

Không chỉ vậy, người biểu tình còn giận dữ vì nạn tham nhũng tràn lan trong giới quan chức. Theo tổ chức phi lợi nhuận Minh bạch Quốc tế, nạn tham nhũng ở Bosnia tồi tệ hơn so với bất cứ nước nào trong vùng Balkan. 

 

Trong khi đó, hệ thống chính trị của Bosnia-Herzegovina bị chia rẽ sâu sắc. Theo giới quan sát, thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến 1992 – 1995 đã khiến bộ máy chính trị của nước này phân tán quyền lực và làm Chính phủ Trung ương yếu thế trong khi đất nước bị chia cắt thành 2 khu vực tự trị. Trong khi các nhà lãnh đạo của người Bosnia muốn tăng cường tập trung quyền lực cho Chính quyền Trung ương thì những người Croat theo đường lối bảo thủ vẫn muốn thúc đẩy các thể chế tự trị. 

 

EU không loại trừ khả năng gửi binh lính tới Bosnia-Herzegovina

 

Trước nguy cơ bất ổn tại Bosnia-Herzegovina có khả năng ảnh hưởng tới toàn khu vực, ngày 10/2, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Catherine Ashton kêu gọi lãnh đạo quốc gia khu vực Balkan này đáp ứng những yêu cầu của người dân và tìm cách đưa đất nước thoát khỏi tình cảnh hiện nay. Ngoại trưởng Anh William Hague thì cho rằng các cuộc biểu tình tại Bosnia là tiếng chuông cảnh tỉnh cộng đồng quốc tế.

 

Trong khi đó, đại diện cấp cao của quốc tế về Bosnia-Herzegovina, Valentin Inzko  thậm chí còn tính tới khả năng gửi binh lính của Liên minh châu Âu (EU) tới Bosnia-Herzegovina nếu như tình trạng bất ổn gia tăng. Theo ông Inzko, nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, khả năng phải gửi quân của EU đến là không loại trừ, mặc dù đây chưa phải là một lựa chọn vào thời điểm này.

 

Đại sứ quán Mỹ tại Sarajevo kêu gọi giới lãnh đạo Bosnia-Herzegovina nên lắng nghe nguyện vọng của người biểu tình và cần sớm chấm dứt bạo lực. Thủ tướng nước láng giềng Croatia Zoran Milanovic hối thúc EU cần sớm giúp đỡ Bosnia-Herzegovina xử lý các vấn đề hiện nay và đẩy nhanh tiến trình kết nạp nước này làm thành viên của khối.

 

Giải pháp khả thi: bầu cử sớm

 

Trước nguy cơ căng thẳng leo thang và sức ép của cộng đồng quốc tế, 2 đảng trong Liên minh cầm quyền Bosnia - Herzegovina kêu gọi bầu cử sớm. Đảng Dân chủ Xã hội (SDP) nhấn mạnh sự cần thiết của việc chấm dứt bạo lực, khôi phục an ninh cho người dân và khẩn trương tiến hành bầu cử sớm. Thành viên Hội đồng Tổng thống Bosnia-Herzegovina và là lãnh đạo đảng Hành động Dân chủ Bakir Izetbegovic cũng ủng hộ ý kiến này. Ông cho rằng người dân Bosnia - Herzegovina muốn một sự thay đổi và họ xứng đáng có cơ hội lựa chọn những người mình tin tưởng.

 

Cùng với việc bầu cử sớm, giới quan sát cho rằng những nhà lãnh đạo mới cần phải có những biện pháp đột phá để phát triển kinh tế của Bosnia – Herzegovina, đưa quốc gia này ra khỏi danh sách một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Âu. Tuy nhiên đây là nhiệm vụ không dễ dàng. Dư luận đang chờ xem đất nước đông nam châu Âu sẽ thoát khỏi khủng hoảng tồi tệ hiện nay ra sao./.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu