Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

Ngọc Anh
Chia sẻ

(VOV5) - Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa ra Nghị quyết về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Nghị quyết này là định hướng quan trọng để các ngành, các cấp của Việt Nam thực hiện các giải pháp phòng chống biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

 

(VOV5) - Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa ra Nghị quyết về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Nghị quyết này là định hướng quan trọng để các ngành, các cấp của Việt Nam thực hiện các giải pháp phòng chống biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững - ảnh 1
Ảnh:vnexpress.net



Thực tế biến đổi khí hậu ở Việt Nam đang diễn ra nhanh và nghiêm trọng hơn dự báo.Theo thống kê hàng năm, thiên tai gây thiệt hại kinh tế từ 1 - 1,5%  tổng sản phẩm quốc nội. Tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam cũng chưa được khai thác hiệu quả, ô nhiễm môi trường đang có xu hướng gia tăng, dẫn đến nguy cơ mất cân bằng sinh thái trên diện rộng. Một trong những nhiệm vụ cụ thể về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, theo Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 7, là tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Điều này được Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam: Trước hết cần nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân và toàn hệ thống chính trị, coi chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là vấn đề có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được lồng ghép trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội của từng ngành và từng địa phương.

 

Thực hiện tăng cường tuyên truyền, giáo dục về chống biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường chính là nâng cao tính chủ động của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về vấn đề này. Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, cho rằng: Tôi cho rằng cái quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải chọn, phải tập trung đối tượng một cách bài bản và quyết liệt hơn nữa. Trong đó tập trung mạnh vào nhà trường. Nhà trường không chỉ tuyên truyền về chống biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong các chương trình ngoại khóa. Đã đến lúc về mặt luật pháp và cơ chế chính sách chúng ta nên biên tập các nội dung này thành sách giáo khoa. Mục đích là để học sinh có được khái niệm về vấn đề này, xác định được trách nhiệm, nghĩa vụ  và chủ động tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Trách nhiệm bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu là của Nhà nước, doanh nghiệp và của toàn dân, trong đó các nhà khoa học có nhiệm vụ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào lĩnh vực này. Ông Ngô Thuần Khiết, Phó trưởng Ban khoa học, công nghệ môi trường thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam cho rằng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7, quan điểm này cần được thể hiện đầy đủ trong các văn bản quy phạm pháp luật để các nhà khoa học tích cực đóng góp vào nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu: Trước hết chúng ta phải thay đổi quan điểm trong chỉ đạo, đặc biệt là thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực cho các hoạt động phòng chống biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Giải quyết vấn đề này phải có 1 sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, khu vực tư nhân và xã hội dân sự. Từ trước đến nay, hầu như chúng ta đã không hề có được sự huy động cũng như những chính sách biện pháp để khối tư nhân tham gia vào công tác này.

 

Nhiệm vụ ứng phó với biển đổi khí hậu, quản lý và bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn với phát triển kinh tế xã hội và tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Nhiệm vụ chung đặt ra là: phải đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; thí điểm phát triển mô hình kinh tế xanh theo địa bàn và theo ngành, lĩnh vực và từng bước nhân rộng trên cả nước. Thực hiện phân vùng chức năng sinh thái làm cơ sở để xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngành, lĩnh vực và địa phương theo hướng phù hợp với đặc tính sinh thái từng vùng, hài hòa với thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Theo Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, vào năm 2050, Việt Nam sẽ thành quốc gia phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững; chất lượng môi trường sống, đa dạng sinh học và đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với các nước công nghiệp trong khu vực./.

                                                                                                                     

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu