Bảo vệ dữ liệu cá nhân là bảo vệ quyền con người trong chuyển đổi số ở Việt Nam

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Điểm mới nổi bật là Nghị định này lần đầu tiên ghi nhận khái niệm “dữ liệu cá nhân nhạy cảm”, nhằm phân biệt dữ liệu nhạy cảm so với dữ liệu thông thường.

Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân và Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới. Đây là nỗ lực nhằm góp phần xây dựng hành lang pháp lý phục vụ chương trình chuyển đổi số quốc gia, hướng đến nhóm mục tiêu an toàn thông tin và phát triển xã hội số toàn diện. Nghị định ghi nhận một cách toàn diện các quyền lợi cơ bản của cá nhân là chủ thể dữ liệu, đặt ra các yêu cầu kỹ thuật và pháp lý cho các doanh nghiệp xử lý, kiểm soát dữ liệu của công dân Việt Nam, quy định về chức năng và thẩm quyền của cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân ở Việt Nam và đưa ra một số yêu cầu đặc biệt đối với xử lý dữ liệu cá nhân xuyên biên giới. Với những quy định cụ thể và chi tiết, Nghị định thực sự là tấm khiên mới trong bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân là bảo vệ quyền con người trong chuyển đổi số ở Việt Nam - ảnh 1Ảnh minh họa - Nguồn: Techlicious

Nghị định 13/2023/NĐ-CP định nghĩa: “Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể”. Điểm mới nổi bật là Nghị định này lần đầu tiên ghi nhận khái niệm “dữ liệu cá nhân nhạy cảm”, nhằm phân biệt dữ liệu nhạy cảm so với dữ liệu thông thường. Việc ghi nhận này phản ánh sự tương thích của pháp luật Việt Nam với các đạo luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của các khu vực tài phán khác trên thế giới và tạo tiền đề  đặt ra yêu cầu pháp lý ở mức độ cao để bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Đáng lưu ý, khái niệm dữ liệu cá nhân nhạy cảm được đề cập gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân, phản ảnh triết lý tiếp cận quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân được xây dựng trên nền móng của việc bảo vệ quyền riêng tư. Hiểu một cách đơn giản là mọi người đều có quyền được tôn trọng đời sống riêng tư bao gồm cả những thông tin về cá nhân. Do đó, các quy định của Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu nhằm hướng đến bảo mật thông tin cá nhân, đặc biệt những thông tin nhạy cảm, có khả năng gây tổn hại đến đời sống riêng tư của cá nhân.

Bảo vệ tốt hơn quyền con người trong kỷ nguyên số

Dữ liệu cá nhân đang trở thành nguyên liệu chính cho hoạt động của các ngành, nghề, dịch vụ kinh doanh và ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong tổng thể lĩnh vực tạo ra giá trị lợi nhuận cao trong nền kinh tế quốc dân. Thực trạng này đặt ra cho Chính phủ bài toán phải quản lý hiệu quả, tương đồng giữa sử dụng và bảo vệ dữ liệu cá nhân, ứng phó, hạn chế nguy cơ, xử lý vi phạm để giữ vững sự phát triển và giá trị do dữ liệu cá nhân tạo ra.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoa, giảng viên khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM, đánh giá: "Trong môi trường số hiện nay, dữ liệu cá nhân có thể bị “tấn công” và sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Pháp luật hiện nay có các biện pháp dân sự, hành chính và hình sự để bảo vệ dữ liệu cá nhân trước hành vi vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế và chưa thống nhất với các quy định mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân".

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ góp phần giải bài toán khó, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động kinh doanh có liên quan tới dữ liệu cá nhân. Ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng là bước cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người, quyền công dân, an ninh mạng; thể hiện rõ nỗ lực bảo vệ quyền con người trong chuyển đổi số ở Việt Nam. Đây cũng là bước đi thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người của Việt Nam.

Hài hòa với quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam

Hiện nay, đã có hơn 80 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhiều văn bản có quy định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam. Điều này đặt ra yêu cầu là Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Việt Nam phải bảo đảm hài hòa với thông lệ quốc tế, nhưng cũng phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thượng tôn pháp luật tại Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ Thông tin Truyền thông, Nghị định 13/2023/NĐ-CP phù hợp với nguyên tắc chung của các công ước, khuyến nghị quốc tế, trong đó có Nguyên tắc bảo mật của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), bao gồm Công ước của Hội đồng châu Âu về bảo vệ cá nhân liên quan đến tự động xử lý thông tin và dữ liệu cá nhân, Hướng dẫn của Liên hợp quốc về các tệp thông tin và dữ liệu cá nhân được vi tính hóa, Khung bảo mật hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Các tiêu chuẩn quốc tế về quyền riêng tư và bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân (Nghị quyết Madrid), Luật của Tổ chức các quốc gia Hoa Kỳ (OAS) về bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân năm 2014, và gần đây là Quy định bảo vệ dữ liệu chung của EU (GDPR). 

 Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới. Số lượng người sử dụng Internet của Việt Nam đã đạt gần 69/100 triệu dân. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số với sự tham gia ngày càng sâu rộng của các lĩnh vực hành chính, y tế, hình sự, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, thương mại điện tử, giáo dục, tài chính, ngân hàng, thuế… Công nghệ thông tin, truyền thông, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, dữ liệu nhanh… được ứng dụng sâu rộng, tạo ra những giá trị to lớn cho xã hội. Nghị định 13/2023/NĐ-CP là cơ sở pháp lý, giúp người dân có nhận thức tốt về dữ liệu cá nhân và việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh Việt Nam tăng cường chuyển đổi số.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân là bảo vệ quyền con người trong chuyển đổi số ở Việt Nam - ảnh 2 Ông Ngô Vi Đồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - Ảnh: vietnmamnet.vn

Ông Ngô Vi Đồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, đánh giá: "Tôi nghĩ rằng Nghị định này cần phải phổ biến và mỗi người cần có ý thức để hiểu được chúng ta sử dụng công nghệ hôm nay là cá nhân, doanh nghiệp cũng vậy thôi. Chúng ta cần có ý thức về chính dữ liệu của mình, cái gì cần phải bảo vệ và phải cảnh giác. Bây giờ, chúng ta không thể có cách ngăn chặn được nếu tự mỗi cá nhân không xây dựng nhận thức của riêng mình để bảo vệ chính mình".

Việc triển khai thi hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP sẽ là tiền đề quan trọng, hướng tới xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, một bước tiến cao hơn về việc bảo vệ quyền con người trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu