Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM-50) và các Hội nghị liên quan đang diễn ra tại thủ đô Manila của Philippines.Bên cạnh các nội dung quan trọng được bàn thảo như tăng cường liên kết nội khối, thúc đẩy quan hệ ASEAN với các đối tác, xây dựng Tầm nhìn ASEAN đến năm 2025.., AMM-50 ghi nhận một kết quả tích cực ban đầu khi ASEAN và Trung Quốc thông qua dự thảo Khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), đồng thời đưa nội dung Biển Đông vào trong Thông cáo chung của khối.
Phiên toàn thể Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM-50). |
Biển Đông, không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực ASEAN mà còn là tuyến đường hàng hải quan trọng của khu vực và thế giới. Do là vùng biển chiến lược nên khu vực này thường xảy ra các tranh chấp do các bên đều có tuyên bố chủ quyền ở những vùng biển chồng lấn. Vì vậy, Biển Đông không thể nằm ngoài mối quan tâm chung của ASEAN và thường được đưa vào các chương trình nghị sự của khối hàng năm.
Sự cần thiết phải có một công cụ pháp lý ràng buộc cho những trang chấp ở Biển Đông
Đã từ lâu, ASEAN đã mong muốn cùng Trung Quốc xây dựng một công cụ pháp lý mang tính ràng buộc cao hơn để hạn chế những những xung đột có thể xảy ra trên vùng biển này. Ý tưởng một Bộ quy tắc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) ra đời từ năm 2005 nhưng phải mất đến 15 năm sau, ASEAN và Trung Quốc mới chính thức thông qua được bản dự thảo COC tại Hội nghị lần này.
Cách tiếp cận chung của ASEAN là COC cần phải dựa trên và nhân lên cao hơn từ Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc đã ký năm 2002. Cụ thể, nội dung của COC sẽ thể hiện: Nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS), Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố DOC. Các bên phải có nghĩa vụ và hành vi ứng xử vì mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, thúc đẩy hợp tác xây dựng lòng tin, ngăn ngừa tranh chấp leo thang và giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển. Theo quan điểm của ASEAN, COC vừa phải kế thừa những điểm tích cực của DOC, vừa phải được nâng cao thêm nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Như vậy, cùng với việc nhấn mạnh những nguyên tắc tích cực đã có trong DOC (hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển), ASEAN mong muốn Bộ quy tắc COC phải có tính cam kết và ràng buộc cao hơn DOC, phải có cơ chế giám sát và bảo đảm thực hiện, và đặc biệt là bổ sung quy định nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa của các quốc gia ven biển theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Bộ khung COC được thông qua vào ngày 5/8 còn phải được từng nước ký đồng thuận thông qua để có hiệu lực. Việc tìm kiếm sự đồng thuận giữa các nước ASEAN hay giữa ASEAN với Trung Quốc trong việc thúc đẩy văn kiện này có tính ràng buộc về pháp lí, với sự tuân thủ nghiêm túc của các nước liên quan sẽ là một thách thức không nhỏ trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc thông qua khung COC vẫn được coi là bước tiến lớn hướng đến việc đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực. Trên hết, việc hoàn tất khung COC phản ánh điều mà nhiều quốc gia thành viên ASEAN mong muốn, đó là xây dựng một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định, thân thiện và hợp tác.
Trong Thông cáo chung thông qua ngày 6/8, ASEAN cũng nêu rõ lập trường của mình, hoan nghênh dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông được thông qua. ASEAN cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại về vấn đề cải tạo đất và những hoạt động tại các khu vực có thể làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. ASEAN cũng tái khẳng định việc cần xây dựng lòng tin, kiềm chế và tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, theo đuổi các giải pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982.
ASEAN đề cao tinh thần đồng thuận
Trong bối cảnh ASEAN đang đối mặt với nhiều thách thức, rõ ràng, xây dựng cách tiếp cận phù hợp, thoả đáng về Biển Đông, một mặt vừa thể hiện sự đóng góp thiết thực của ASEAN đối với hòa bình, ổn định lâu dài cho khu vực, mặt khác vừa thể hiện vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Đồng thuận chính là chìa khóa giúp ASEAN vượt qua các thách thức an ninh khu vực. Trong phát biểu khai mạc AMM-50, Ngoại trưởng Philippines, nước đang giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2017, cũng khẳng định “ASEAN đang cùng nhau trên một chuyến hành trình”. Và trong thời điểm vàng của ASEAN tròn 50 tuổi, chuyến hành trình đó đang được các quốc gia thành viên nêu cao tinh thần đồng thuận và trách nhiệm để giải quyết các thách thức chung, trong đó có vấn đề Biển Đông.