50 năm kể từ khi thành lập, từ một tổ chức khu vực, ASEAN đã trở thành một Cộng đồng vững mạnh, có vị thế và vai trò ngày càng cao trên trường quốc tế. ASEAN đang ngày càng khẳng định vị thế của một tổ chức vững mạnh, liên kết sâu rộng và là đối tác không thể thiếu của các nước trên thế giới.
Được thành lập từ năm 1967 tại Bangkok Thái Lan với 5 thành viên sáng lập ban đầu, đến nay ASEAN đã lớn mạnh về nhiều mặt với sự đóng góp của 10 quốc gia thành viên. Sau 5 thập kỷ phát triển, ASEAN đã chuyển hóa căn bản về chất và chính thức trở thành cộng đồng chung vào ngày 31/12/2015.
Thu hút sự quan tâm, tham gia của các đối tác bên ngoài
Qua nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ASEAN được dư luận quốc tế đánh giá là tổ chức liên kết có hiệu quả, đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hội nghị bộ trưởng giữa kỳ lần thứ 3 Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (TTXVN)
|
Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN đã nâng cao vị thế và giá trị chiến lược của ASEAN, ngày càng thu hút sự quan tâm, tham gia của các đối tác bên ngoài vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển. Các hội nghị cấp cao đặc biệt với Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc trong năm qua là những minh chứng rõ nét cho thấy sự coi trọng, ủng hộ của các đối tác dành cho ASEAN. Đến nay, có 86 nước cử Đại sứ tại ASEAN, 9/11 đối tác đối thoại đã lập phái đoàn riêng tại ASEAN và 50 ủy ban ASEAN tại các nước thứ ba. Nhiều nước và tổ chức quốc tế ở châu Á, châu Âu và Mỹ Latin tiếp tục mong muốn lập quan hệ đối tác với ASEAN. Trong năm 2016, ASEAN đã ký văn kiện mở rộng để Chile, Ai Cập, Morocco gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), nâng tổng số thành viên Hiệp ước lên 35; trao quy chế đối thoại theo lĩnh vực cho Thụy Sĩ và đối tác phát triển cho Đức; tiếp tục thúc đẩy quan hệ tham vấn và hợp tác với các tổ chức khu vực như Liên minh Thái Bình Dương (AP), Tổ chức Hợp tác kinh tế (ECO) và Hội đồng Hợp tác các quốc gia vùng Vịnh (GCC).
Mỹ, đối tác lớn của khu vực coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, nhấn mạnh ASEAN là đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ, tiếp tục triển khai Sáng kiến Kết nối ASEAN - Mỹ, khuyến khích tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng, khẳng định duy trì các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho thanh niên và phụ nữ ASEAN như Chương trình các nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI), học bổng Fulbright. Tổng thống Mỹ D. Trump cũng cam kết sẽ tham dự các sự kiện của khu vực như Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam, Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ và Hội nghị cấp cao Đông Á tại Philippines vào cuối năm nay.
|
Các cơ chế liên quan đến chính trị, an ninh, quốc phòng của ASEAN không chỉ gắn kết trong nội khối mà còn thu hút được các nước lớn trên thế giới tham gia. Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ra đời năm 1994 với tinh thần "thúc đẩy hòa bình và an ninh qua đối thoại và hợp tác ở Châu Á – Thái Bình Dương" đã khởi đầu cơ chế đối thoại và tham vấn về các vấn đề an ninh và chính trị trong khu vực.
Về kinh tế, ASEAN đã tạo ra thị trường rộng lớn 630 triệu dân, với tổng GDP 3.000 tỷ USD, tăng trưởng 4,7% một năm. ASEAN cũng có sự hấp dẫn đối với các nước, xây dựng liên kết kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo ra thị trường ba tỷ dân với tổng GDP 20.000 tỷ USD.
Tiếp tục nâng cao giá trị và sức sống của ASEAN
Tiếp đà thành công đã đạt được, ASEAN sau chặng đường 50 năm gắn kết đang tiếp tục quyết tâm thúc đẩy liên kết Cộng đồng toàn diện và thực chất, nâng cao giá trị và sức sống của ASEAN, mang lại lợi ích thiết thực, rõ ràng cho khu vực, các nước thành viên và hơn 6006 triệu người dân khu vực.
Năm 2017, ASEAN đã xác định 6 định hướng ưu tiên, gồm: Xây dựng ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm; thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực; tăng cường an ninh và hợp tác hàng hải; thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và dựa trên sáng tạo; nâng cao năng lực tự cường của ASEAN; đưa ASEAN trở thành hình mẫu hợp tác khu vực và thúc đẩy vai trò toàn cầu của ASEAN.
Sau 50 năm hình thành và phát triển ASEAN, đây mới chỉ là một dấu mốc quan trọng của một chặng đường kéo dài nhiều thập niên, đã có những kết quả khả quan chứ chưa phải là thành quả cuối cùng. Tương tự như vậy, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN không phải là điểm đến cuối cùng mà là khởi đầu cho một hành trình mới. ASEAN tiếp tục duy trì đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm, nâng cao vị thế của mình, đồng thời đóng góp cho duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.