APEC nắm bắt xu thế mới, hướng tới phát triển bền vững

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) -Đây là đợt hoạt động lớn thứ 2 trong năm bao gồm các cuộc họp của các ủy ban, nhóm công tác APEC trên nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Từ hôm nay (9/5) đến ngày 21/5 tại Hà Nội diễn ra hàng loạt các hoạt động trong khuôn khổ Năm APEC 2017 do Việt Nam đăng cai tổ chức. Đây là đợt hoạt động lớn thứ 2 trong năm bao gồm các cuộc họp của các ủy ban, nhóm công tác APEC trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Dưới sự nỗ lực của nước chủ nhà Việt Nam, các hoạt động lần này hướng tới mục tiêu đưa APEC tiếp tục là cơ chế hợp tác liên kết kinh tế hiệu quả hàng đầu khu vực, nắm bắt những xu thế mới, đi đầu khởi xướng thúc đẩy các ý tưởng liên kết kinh tế trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp.

 

APEC nắm bắt xu thế mới, hướng tới phát triển bền vững - ảnh 1

 

Sau 28 năm thành lập, APEC đã trở thành cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới hiện nay, APEC đang đối mặt với nhiều thách thức như chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy, quá trình phục hồi kinh tế thế giới chậm chạp, thương mại tăng trưởng giảm sút... đòi hỏi việc liên kết hội nhập APEC phải được cải cách mạnh mẽ hơn.

 

Thúc đẩy hợp tác APEC phù hợp với môi trường cạnh tranh quốc tế mới

 

Hợp tác thương mại và đầu tư giữa các nước trong APEC là một chủ đề hợp tác quan trọng nhất trong APEC. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang dẫn đến nhiều đổi thay trên thế giới. Nhiều nước dân số già đi, nhiều nhóm dân cư dễ bị tổn thương hơn, khoảng cách thu nhập gia tăng, do vậy, APEC không thể không tính đến việc phải thích ứng với những xu hướng mới như công nghệ, biến đổi khí hậu, vấn đề đô thị hoá, dịch chuyển lao động…Ngoài thúc đẩy hợp tác thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, thì APEC hiện nay chú trọng thúc đẩy những hợp tác thúc đẩy lĩnh vực khác, mang tính phi truyền thống như chống khủng bố, hợp tác kinh tế kỹ thuật, hợp tác ứng phó với thiên tai... nhằm thúc đẩy liên kết, hội nhập, gắn liền với yêu cầu phát triển bền vững. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp Ủy ban Quốc gia APEC Việt Nam 2017, cho rằng:  Đặc điểm lớn của thập kỷ thứ 2 thế kỷ 21 là sự chuyển dịch rất nhanh trong nền tảng kinh tế thế giới, chuyển dịch rất nhanh trong sự thay đổi về sức mạnh kinh tế giữa các nước, đòi hỏi chúng ta phải nắm kịp tình hình này. Đó cũng là sự chuyển dịch rất nhanh trong hình thành các liên kết kinh tế và gia tăng mức độ cam kết.

 

Nhận định về những thách thức mà APEC đang đối mặt cũng như yêu cầu APEC phải có những công cụ mới, lý luận mới, cách thức hợp tác mới để đáp ứng những mục tiêu phát triển mới gắn với những xu hướng mới, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: Nếu như trước đây thể chế APEC là độc quyền, nhưng nay xuất hiện ra rất nhiều những thể chế khác, mà nổi bật nhất trong đó là cơ chế hợp tác RCEP hay các thể chế tự do song phương khác. Do vậy, APEC phải định vị như thế nào trong thể chế này, tránh sự chồng lấn nhau, cạnh tranh nhau. Những cam kết nếu đi chậm thì những cam kết khác sẽ có thể mạnh hơn.

 

Những năm gần đây, APEC cũng đưa ra những nội hàm mới để hợp tác trong đó có những nội dung giảm thiểu tác động của môi trường đến phát triển kinh tế cũng như sự gắn kết về tăng trưởng bền vững với vấn đề môi trường. Tất cả những điều này tạo điều kiện cho những nền kinh tế thành viên trong APEC liên kết chặt chẽ với nhau, không chỉ trong khuôn khổ chung APEC mà còn tạo thuận lợi giữa các thành viên hợp tác với nhau để tăng cường liên kết.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu