Trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, để phát triển nhanh nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với ứng dụng khoa học, công nghệ, đối thoại chính sách giữ vai trò quan trọng.
Toàn cảnh phiên họp( Ảnh theo molisa.gov.vn) |
Nhân lực trong kỷ nguyên số, khái niệm mới trong thế kỷ 21
Tác động của khoa học công nghệ đem đến sự đổi thay to lớn cho quá trình sản xuất, giải phóng sức lao động. Ông Michel Welmond, Trưởng Nhóm giáo dục của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng: “Khái niệm chất lượng nguồn nhân lực cơ bản đã và đang thay đổi. Hiện nay, nhân lực cần phải biết sử dụng linh hoạt các ứng dụng công nghệ mới, kỹ năng ngoài nhận thức hay còn gọi là kỹ năng lao động thế kỷ 21. Trong bổi cảnh hiện nay, người lao động không chỉ cần các kỹ năng cơ bản mà còn phải biết vận dụng kiến thức, công nghệ để tạo ra giá trị hiệu suất lao động cao hơn”.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, công nghệ hay số hóa có thể mang đến những tác động tiêu cực, làm cho người lao động mất việc làm, đặc biệt là những người khó tiếp cận với công nghệ, những công việc phải lặp đi lặp lại, những nghề không đòi hỏi kỹ năng cao. Vì vậy, cần phải có những chính sách an sinh xã hội phù hợp để có thể đáp ứng được cho sự thay đổi nhanh chóng đó. Việt Nam tổ chức Đối thoại chính sách cấp cao về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số trong khuôn khổ các hoạt động Năm APEC 2017 nhằm đánh giá thực tế vai trò cũng như tác động của kỷ nguyên số đối với thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực. Từ đó, APEC có thể đưa ra những chính sách an sinh xã hội phù hợp với người lao động, thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC về lĩnh vực này. Bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Trưởng tiểu ban nội dung APEC Việt Nam về Đối thoại chính sách cấp cao về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, cho biết: “Các thành viên của các nền kinh tế APEC sẽ cùng nhau chia sẻ những chính sách về an sinh xã hội cần phải được cải tiến như thế nào, có cách tiếp cận như thế nào để đảm bảo cho người lao động, cho nhóm người yếu thế trong xã hội có thể vẫn có cơ hội việc làm. Thứ hai là kỹ thuật số cũng hỗ trợ cho việc đưa ra được nhiều giải pháp thúc đẩy tăng cường việc làm, quản lý lao động hiệu quả hơn”.
Nâng cao chất lượng nguồn lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2016, Việt Nam có gần 130 ngàn lao động đi làm việc tại nước ngoài, trong số này số lao động có tay nghề còn tương đối thấp. Đặc biệt, lao động Việt Nam đang gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường của các nền kinh tế thành viên APEC. Vì vậy, tại Đối thoại chính sách cấp cao về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số sắp tới đây, Việt Nam chú trọng xây dựng nội dung chương trình hướng tới những trọng tâm như tăng cường chia sẻ thông tin về thị trường lao động giữa các nền kinh tế thành viên APEC, hướng đến đào tạo lao động có kỹ năng nghề, thích ứng với công việc khi công nghệ thay đổi. Theo đó, nội dung của Đối thoại được chia các chủ đề: Tương lai việc làm trong kỷ nguyên số và tự động hóa; Các yêu cầu về giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế mới; Tác động của kỷ nguyên số tới thị trường lao động; Những khía cạnh về an sinh xã hội. Bà Lê Kim Dung cho biết thêm: “Một trong những năm ưu tiên của Năm APEC Việt Nam 2017 là hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm thì phát triển nguồn nhân lực là một trong những đóng góp cho ưu tiên của Việt Nam. Thông qua Đối thoại chính sách này, Việt Nam cũng kỳ vọng sẽ tạo ra được 1 chương trình hành động tăng cường hợp tác trong APEC trong lĩnh vực tương lai việc làm, vấn đề thị trường lao động, đào tạo nghề, an sinh xã hội, dưới hình thức là khuôn khổ, làm cơ sở để cho các nước tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, thực hiện dự án, chương trình sáng kiến. Ngoài ra, tổ chức sự kiện này cũng nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác APEC”.
Khoảng 150 nhà hoạch định chính sách đại diện Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, các học giả, các trường đại học và Viện Nghiên cứu, các Tổ chức quốc tế, đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC sẽ tham dự Đối thoại lần này. Với sự kiện này, Việt Nam mong muốn xây dựng một chương trình hợp tác cụ thể trong APEC, qua đó phục vụ cho mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong quá trình hội nhập.