30 năm đổi mới và những bài học ngoại giao lớn

Châu Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Trong sự phát triển chung của đất nước, công tác đối ngoại cũng đã có những đóng góp lớn thể hiện trên những lĩnh vực. 30 năm đổi mới đã để lại cho công tác đối ngoại nhiều bài học kinh nghiệm lớn.

(VOV5) - Năm 2016 đánh dấu chặng đường 30 năm đổi mới và phát triển của đất nước. Việt Nam từ một nước thu nhập thấp đã vươn lên quốc gia có mức thu nhập trung bình, kinh tế phát triển với mức tăng trưởng trung bình hơn 6%/năm, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Trong những thành tựu to lớn đó phải kể đến vai trò không nhỏ của ngành ngoại giao, góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, có vị thế ngày càng lớn trên trường quốc tế… 

30 năm đổi mới và những bài học ngoại giao lớn - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)


Trong sự phát triển chung của đất nước, công tác đối ngoại cũng đã có những đóng góp lớn thể hiện trên những lĩnh vực. 30 năm đổi mới đã để lại cho công tác đối ngoại nhiều bài học kinh nghiệm lớn.


Luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết


Sau 30 năm đổi mới, bộ mặt quan hệ quốc tế của Việt Nam có thay đổi sâu sắc. Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn khẳng định đối ngoại đóng góp tích cực vào những thay đổi đó: "
Chúng ta đã thiết lập quan hệ với 185 nước trong tổng số 193 nước của Liên Hợp Quốc. Thứ hai, chúng ta cũng tham gia vào 70 tổ chức quốc tế, khu vực và đóng vai trò tích cực chủ động và có trách nhiệm. Thứ ba, tiếng nói của chúng ta trên trường quốc tế cũng đã được các nước trong khu vực và quốc tế tôn trọng, nhiều sáng kiến của chúng ta được cộng đồng quốc tế hoan nghênh".


Việt Nam cũng đóng góp tích cực và để lại dấu ấn tại các diễn đàn đa phương, nắm giữ những vị trí quan trọng trong các cơ chế hợp tác đa phương Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2010, Uỷ ban Kinh tế xã hội của Liên hợp quốc, Uỷ ban Di sản của Tổ chức khoa học, giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO). Đặc biệt, công tác kiều bào trong 30 năm qua đã có nhiều thành tựu lớn.


Có được những thành tựu đó là nhờ công tác đối ngoại luôn xác định đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Trong công cuộc đổi mới, Việt Nam luôn xác định phải giữ vững môi trường hòa bình ổn định, tập trung nguồn lực để phát triển đất nước, đồng thời cũng phải kiên quyết kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường quan hệ của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Thứ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng: "
Đây vừa là nguyên tắc vừa là mục tiêu. Với mục tiêu đó thì trong suốt 30 năm đổi mới chúng ta đã linh hoạt xử lý khéo léo trước những diễn biến tình hình ở mỗi giai đoạn có những biến chuyển khác nhau thì chúng ta đưa ra những đối sách phù hợp để tranh thủ được sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới của chúng ta".


Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, sau 30 năm đổi mới là ngoại giao kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bài học này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh ngay từ khi ngành ngoại giao ra đời. Trong bối cảnh 30 năm đổi mới mỗi giai đoạn có những diễn biến khác nhau, thì Việt Nam vận dụng linh hoạt khéo léo và thành công bài học này.


Phát huy thành tựu trong giai đoạn hội nhập mới


Hiện nay, bối cảnh thế giới đang có nhiều biến chuyển sâu sắc, nhanh chóng và hết sức phức tạp. An ninh bất ổn ở nhiều khu vực. Khủng bố, di cư, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến hầu hết các nước các khu vực. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo tình hình nhạy bén, chủ động, kịp thời hơn nữa để có chiến lược và chính sách sát thực tế, hiệu quả, linh hoạt, đảm bảo được lợi ích dân tộc, tranh thủ tối đa các cơ hội, hóa giải hiệu quả các nguy cơ, góp phần tạo được thế và lực tốt nhất cho đất nước. Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng dựa trên tình hình đó, công tác đối ngoại tập trung vào những nhiệm vụ chính. Thứ nhất là quán triệt vận dụng triển khai đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ 12 đề ra. Trong đó có 2 điểm nhấn là tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để tập trung phát triển kinh tế. Thứ 2 là tiếp tục kiên trì kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Thứ 3 là tiếp tục đưa quan hệ của chúng ta với các nước đi vào chiều sâu. 


"Để thực hiện các mục tiêu này thì cần phải xây dựng chương trình hành động rất cụ thể. Chúng ta đang bước vào thời kỳ hội nhập mới sau khi đã ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương, nhiệm vụ của chúng ta trong thời gian tới là phải tuyên truyền, phổ biến cập nhật thông tin đầy đủ cho cộng đồng, các doanh nghiệp hiểu rõ được cơ hội và thách thức, tận dụng biến thách thức thành cơ hội để phục vụ công tác hội nhập kinh tế quốc tế" - Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.


Năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam triển khai đường lối đối ngoại và chủ trương lớn của Đảng về phát triển kinh tế xã hội kế hoạch 2016 -2020. Đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là định hướng công tác đối ngoại thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu