Hoạt động ngoại giao hỗ trợ đất nước hội nhập

Hiếu Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Ngoại giao Việt Nam tiếp tục phát huy thế mạnh đi trước, mở đường, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập.
(VOV5)- Ngoại giao Việt Nam tiếp tục phát huy thế mạnh đi trước, mở đường, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập.

Hoạt động ngoại giao hỗ trợ đất nước hội nhập - ảnh 1
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cùng Bộ trưởng các nước tại cuộc họp báo tuyên bố kết thúc đàm phán TPP (Ảnh: Nhật Quỳnh - Huy Hoàng/VOV)


Việt Nam đã chính thức bước sang năm 2016 với nhiều cơ hội và thách thức đan xen trong tiến trình hội nhập. Đó là hội nhập trong Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hội nhập kinh tế toàn cầu thông qua các thể chế kinh tế, các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Trong quá trình hội nhập đó, cụ thể năm 2016, Ngoại giao Việt Nam tiếp tục phát huy thế mạnh đi trước, mở đường, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập, góp phần giữ môi trường ổn định cho phát triển đất nước. 


Trong một thế giới toàn cầu hóa với sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn giữa các quốc gia, hội nhập quốc tế đã trở thành sự lựa chọn khách quan và tất yếu. Như người “hoa tiêu” góp phần đưa con tàu Việt Nam tiến ra biển lớn, ngoại giao Việt Nam đã xác định đúng, bám sát dòng chảy thế giới, luôn nỗ lực hết sức mình để định vị đất nước một cách có lợi nhất trong cục diện khu vực và thế giới.


Nỗ lực hội nhập khu vực, tạo môi trường ổn định 
Cộng đồng ASEAN đã chính thức được hình thành. Đây là sự kiện quan trọng của 10 nước ASEAN, mang lại cơ hội cho khoảng 630 triệu người dân của 10 nước. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, với Việt Nam, đây cũng là thành tựu quan trọng sau 20 năm Việt Nam nỗ lực đóng góp cho Cộng đồng với tư cách là một thành viên tích cực, có trách nhiệm. Cộng đồng ASEAN ra đời, trước hết tạo thuận lợi cho mỗi nước có một môi trường đoàn kết, hòa bình để phát triển: Thuận lợi lớn nhất là tạo ra môi trường hòa bình ổn định, trên cơ sở người dân sống trong khuôn khổ được đảm bảo hòa bình ổn định, các nước cùng chia sẻ trách nhiệm. Các cơ chế hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, an ninh cũng đảm bảo cho người dân sống trong không gian hữu nghị có các cơ chế hợp tác để giải quyết các vấn đề nếu có xảy ra. Có thể nói Cộng đồng ASEAN có nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài, việc của chúng ta là làm sao để người dân cảm thụ được hết lợi ích mang lại đó cũng là mục tiêu của các nhà ASEAN hướng tới, lấy người dân làm trung tâm. 


Cộng đồng ASEAN hình thành, tuy nhiên một thực tế hiện nay là nhận thức của người dân và doanh nghiệp Việt Nam chưa phải nằm trong top đầu của ASEAN. Theo một kết quả khảo sát mới nhất có đến 63% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng Cộng đồng kinh tế ASEAN không có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đây cũng là trăn trở rất lớn của ngành ngoại giao Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng: Điều này cũng tạo ra thách thức lớn nếu chúng ta không nắm được cơ hội của cộng đồng ASEAN mang lại, chúng ta sẽ mất đi cơ hội, và đối mặt với nhiều thách thức hơn. Năm 2016, bên cạnh chủ trương tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp mở rộng cơ hội với các đối tác, chúng ta tăng cường tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN để hướng doanh nghiệp, người dân đến Cộng đồng kinh tế đang phát triển và trong năm 2016 đi vào thực hiện.


Tiếp tục làm nhiệm vụ đi trước, mở đường
Trong năm 2015, Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài đã tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng quan hệ với các đối tác các nước, thông qua hình thức kết nối thông tin doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, thông qua các Diễn đàn đầu tư, thúc đẩy thương mại. Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện ngoại giao trong và ngoài nước tích cực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư ở nước ngoài, nhất là khi gặp những vấn đề khó khăn phức tạp ở các nước. 


Trong năm qua, Việt Nam đã nâng cấp khuôn khổ quan hệ hợp tác chiến lược với Malaysia, đưa tổng số Đối tác chiến lược lên 15 nước, đối tác toàn diện lên 11 nước. Việc xây dựng các mối quan hệ này đóng góp vào việc xây dựng hòa bình ổn định để đất nước phát triển. Đây là những đối tác hết sức quan trọng về kinh tế 80% thương mại của Việt Nam. Về chủ trương của Việt Nam năm 2016, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: Giai đoạn mới, chủ trương hội nhập quốc tế của Việt Nam sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Việt Nam tiếp tục nỗ lực đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, phát triển quan hệ với các đối tác chủ chốt và các nước bạn bè truyền thống. Trong ngoại giao đa phương, Việt Nam tiếp tục giữ vai trò thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, đồng thời tham gia tích cực hơn nữa vào các cơ chế đa phương khác.


Năm 2016, ngoại giao Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương hội nhập toàn diện. Không chỉ mở rộng quan hệ với tất cả các nước, Việt Nam còn là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, không chỉ tham gia công việc liên quan đến lợi ích của riêng mình mà còn tham gia vào cả những vấn đề khác của thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu