2015, điểm khởi đầu cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ 20 năm tới

Chia sẻ
(VOV5) - 20 năm sau khi bình thường hóa quan hệ, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đã thành công trong việc gác lại quá khứ, nhìn về tương lai và rất nhanh sau đó trở thành Đối tác toàn diện. 20 năm qua là nền tảng vững chắc cho thời kỳ lịch sử mới giữa hai quốc gia, hòa nhịp với xu thế hợp tác quốc tế toàn cầu. 

(VOV5) - 20 năm sau khi bình thường hóa quan hệ, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đã thành công trong việc gác lại quá khứ, nhìn về tương lai và rất nhanh sau đó trở thành Đối tác toàn diện. 20 năm qua là nền tảng vững chắc cho thời kỳ lịch sử mới giữa hai quốc gia, hòa nhịp với xu thế hợp tác quốc tế toàn cầu. 


2015, điểm khởi đầu cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ 20 năm tới - ảnh 1

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngày 12/7/1995 đến nay, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều đã có nhiều nỗ lực gây dựng lòng tin, xóa bỏ mọi nghi kỵ, bắt tay cùng hợp tác. Sau 20 năm, từ cựu thù, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành đối tác của nhau và từ khuôn khổ cơ chế này, quan hệ hai nước đã mở rộng trong rất nhiều lĩnh vực, chính trị đối ngoại, thương mại - kinh tế, quốc phòng an ninh. 

Nỗ lực gây dựng lòng tin

Để có được những kết quả đó, mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã phải trải qua một chặng đường khó khăn. “Một rừng khó khăn” là cách mà đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Văn Bàng đã ví von trong cuộc Hội thảo Mỹ "Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: 20 năm thành công hơn nữa", được tổ chức hôm 26/1 tại Hà Nội. Cũng tại Hội thảo này, nguyên đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Peter Peterson chân thành chia sẻ những khó khăn của mình khi tiếp nhận nhiệm vụ trở thành đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ: Trở ngại lớn nhất với tôi khi đó là làm sao để lãnh đạo Việt Nam hiểu và nhận thấy tôi là một người hết sức thiện chí, đáng tin cậy, tôn trọng người Việt Nam và khao khát mãnh liệt đưa hai nước trở thành bạn bè tốt của nhau. Bởi vào thời điểm đó, hai nước vẫn còn có quá nhiều quan điểm đối lập về nhiều vấn đề, rất khó để tìm nền tảng chung cho hợp tác. Tôi cảm thấy rất tự hào vì đã đóng góp cải thiện quan hệ giữa hai nước trong quá trình bình thường hóa.

Nguyên đại sứ Peter Peterson cùng nhiều thế hệ các nhà ngoại giao hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ đã góp phần quan trọng bắc nhịp cầu hòa giải hai dân tộc. Nhưng không chỉ họ mà còn hàng triệu người dân khác đã nỗ lực cho quan hệ hai nước trong 20 năm qua.

Hợp tác đa dạng 

Có thể khẳng định quan hệ hai nước hiện nay "đa dạng hơn rất nhiều" so với thời điểm bình thường hóa cách đây 20 năm. Xét về góc độ hợp tác kinh tế thương mại, phải đến khi hai nước ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) năm 2001, thương mại hai chiều mới có sự khởi sắc, tuy nhiên vẫn ở mức thấp. Nhưng chỉ 2 năm sau khi thực hiện BTA, Mỹ đã nhanh chóng trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam.  Tính đến năm 2011, tức là 10 năm sau khi BTA có hiệu lực, thương mại hai chiều Việt-Mỹ đã tăng từ 1,5 tỉ USD lên hơn 20 tỉ USD và đến cuối năm 2014, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt khoảng 35 tỷ USD. Ông Murray Hiebert, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington DC, nhận định triển vọng hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian tới là hết sức khả quan: Việt Nam hiện là đối tác thương mại hàng đầu và là nhà xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ. Tôi chắc rằng khi đàm phán Hiệp định đối tác hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam và Hoa Kỳ cùng là thành viên tham gia kết thúc vào năm nay sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cả hai nước, mở rộng đầu tư, tạo thêm nhiều công ăn việc làm…

Việt Nam và Hoa Kỳ hiện nay có tầm nhìn chung về hòa bình, ổn định cũng như phát triển trong khu vực và cả hai cùng có nỗ lực chung về vấn đề này. Đã có nhiều ý kiến cho rằng với những bước phát triển ấn tượng trong 20 năm qua, liệu đây có phải là thời điểm để hai bên tính đến việc nâng cấp quan hệ. Về điều này, tân đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius chia sẻ: Tôi cho rằng, điều quan trọng là nội hàm của quan hệ chứ không phải cái tên của quan hệ. Có thể thấy, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ đều rất tham vọng về quan hệ hai nước nhưng họ muốn nhấn mạnh đến tính thực chất, đến những công việc hai nước có thể hợp tác cùng nhau. Điều đó mang ý nghĩa lớn hơn rất nhiều.

Dù còn nhiều khác biệt về hệ thống chính trị, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và không ít vấn đề do lịch sử để lại nhưng điều đó không cản trở việc hai nước củng cố lòng tin. Thực tế 20 năm qua đã chứng minh, chỉ cần có chân thành, thiện ý, kiên trì đối thoại, hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung. Nguyên đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng: Có lẽ trong quan hệ giữa quốc gia với quốc gia không có quan hệ nào là không có vấn đề. Việt Nam và Hoa Kỳ cũng vậy. Giữa hai nước hiện nay được nhắc đến nhiều nhất là sự khác biệt về vấn đề dân chủ, nhân quyền. Nhưng cách thức giải quyết tốt nhất những khác biệt này là thông qua đối thoại, tăng cường hiểu biết, thu hẹp khác biệt. Việt Nam cùng Mỹ quyết tâm tăng cường đối thoại.

20 năm bình thường hóa là dịp để cả hai phía cùng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai và đưa quan hệ Việt-Mỹ ngày càng đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn. Những thành quả của 20 năm đầu tiên hợp tác là sự khởi đầu cho một quá trình dài hợp tác phong phú và đa dạng hơn trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu