ASEAN là hình mẫu hợp tác thành công trong ứng phó với đại dịch

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam cùng ASEAN đã triển khai nhiều sáng kiến, giảm thiểu những thiệt hại do dịch bệnh gây ra

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) gây ra lan nhanh trên toàn thế giới, gây đình trệ các hoạt động kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Khu vực Đông Nam Á cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng ấy. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dưới vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cùng ASEAN đã triển khai nhiều sáng kiến, giảm thiểu những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đưa ASEAN trở thành một hình mẫu hợp tác khu vực thành công trong ứng phó với đại dịch.

ASEAN là hình mẫu hợp tác thành công trong ứng phó với đại dịch - ảnh 1 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị AMM-53. Nguồn: baokhanhhoa.vn

Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM53) vừa kết thúc mới đây ghi nhận tất cả những kết quả công tác của ASEAN trong thời gian qua, trong đó ghi nhận tất cả những sáng kiến, đề xuất của Việt Nam trong năm 2020 về ứng phó với đại dịch Covid-19.

Đến nay, không chỉ các nước trong khu vực mà cả các đối tác ngoài ASEAN đều nhất trí về tầm quan trọng của các dự án này và cam kết cùng hợp tác tiếp tục ứng phó với đại dịch Covid-19.

Sáng kiến của Việt Nam trở thành sáng kiến của ASEAN

Ngay từ đầu năm, khi dịch Covid-19 chưa lan rộng, với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã khẩn trương triển khai nhiều hoạt động và đề xuất nhiều ý kiến cùng chung tay chống dịch với tinh thần “gắn kết, chủ động thích ứng”.

ASEAN là hình mẫu hợp tác thành công trong ứng phó với đại dịch - ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh Covid-19. Ảnh: nhandan.com.vn

Tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó đại dịch Covid-19 được tổ chức theo hình thức trực tuyến (chưa có tiền lệ trong lịch sử ASEAN). Tại đây, ASEAN đã ra tuyên bố chung 18 điểm, nhấn mạnh tăng cường phối hợp ở cả cấp quốc gia và khu vực, khẳng định tình đoàn kết và ủng hộ mạnh mẽ của ASEAN và cộng đồng quốc tế nói chung trong ứng phó với bệnh dịch. Tổng thư ký ASEAN, ông Lim Jock Hoi, cho rằng: Bản thông báo của Chủ tịch ASEAN mà Thủ tướng Việt Nam công bố và bản Tuyên bố chung các nước ASEAN là minh chứng cho thấy sự đoàn kết, hỗ trợ và phối hợp hành động trong ASEAN để đối phó với vấn đề hệ trọng liên quan đến sức khỏe của tất cả người dân trong khối. Qua đó cũng thể hiện sự hỗ trợ của ASEAN để bảo đảm môi trường sống khỏe mạnh cho người dân.

Dưới các đề xuất của Việt Nam, ASEAN đã thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19, thành lập kho dự trữ vật tư y tế khu vực ASEAN, cũng như xây dựng Quy trình ứng phó chuẩn của ASEAN đối với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ ngoại giao Việt Nam, khẳng định:

Trong 8 tháng qua, vai trò của Việt Nam nổi lên rất rõ. Đầu tiên là tập hợp lực lượng, tinh thần sẵn sàng chung tay ứng phó với dịch. Thứ hai là thu hút sự hỗ trợ của các nước đối tác, đối thoại từ bên ngoài, duy trì hoạt động của ASEAN. Trong 8 tháng qua, các hoạt động của ASEAN, các hội nghị vẫn được triển khai rộng khắp trên tất cả các trụ cột của ASEAN. Thứ ba là tất cả các đối tác ngoài ASEAN đêu đánh giá cao vai trò của Việt Nam và sẵn sàng cùng khu vực tham gia phòng chống dịch bệnh và tiếp tục phát triển.

Có thể thấy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, nhiều quốc gia đang lúng túng trong phòng chống dịch thì Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đã tìm được tiếng nói chung cùng phối hợp chống Covid-19. Tại cuộc họp giữa Uỷ ban các Đại diện thường trực tại ASEAN với Liên hợp quốc diễn ra ngày 15/9, ông Khaled Khiari, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ phụ trách chính trị và các hoạt động gìn giữ hòa bình, cũng khẳng định LHQ ủng hộ các sáng kiến của ASEAN và Việt Nam trong ứng phó với đại dịch.

Quyết tâm hồi phục sau đại dịch

Đại dịch Covid-19 đang gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế thế giới và khu vực ASEAN cũng không nằm ngoài vòng xoáy tổn thất kinh tế này. Dù còn nhiều khó khăn để vực dậy kinh tế, nhưng một ASEAN “gắn kết và chủ động thích ứng” đã tìm ra được lối thoát cho riêng mình bằng sự đồng thuận cao trong hành động. Đó là gắn kết cùng nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch, kích thích tăng trưởng kinh tế và tự cường tài chính, triển khai các biện pháp thích hợp ở mỗi quốc gia.

Với kinh nghiệm quý giá sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008-2009, với lợi thế là các quốc gia mạnh về xuất khẩu lương thực cùng sự đồng thuận vượt qua khó khăn, ASEAN đang vững tâm vượt qua đại dịch Covid-19.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu