Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số”, vừa kết thúc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ đề của hội nghị là một trong 4 lĩnh vực ưu tiên của Năm quốc gia APEC 2017, thể hiện mong muốn của Việt Nam nhằm phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số hiện nay.
Trong nền kinh tế APEC, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% số doanh nghiệp, tạo ra khoảng 60% chỗ làm việc. Đây là nguồn động lực quan trọng cho tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo tại các nền kinh tế thành viên APEC.
Tại Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 12) của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó khẳng định vai trò và tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các đại biểu tham dự tại Hội thảo về kinh tế số. Ảnh: Đăng Bảy |
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có thể tận dụng được những tiến bộ trong xu hướng công nghệ 4.0 thì rất thuận lợi để đi tắt đón đầu trong khởi nghiệp: Ưu việt hiện nay là hệ thống mạng Internet đã lan rộng trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Và chúng ta là người đi sau nên có thể hoàn toàn hấp thụ được tất cả những thế mạnh đó. Chúng ta có thể xây dựng, kết nối được nền tảng những dữ liệu của một bộ, một ngành, một quốc gia cho công tác quản lý đất nước, nó sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Như vậy việc kết nối sẽ giúp cho việc chuyển tải thông tin, rồi điều khiển, quản lý… sẽ có sự thay đổi rất lớn trong thời gian tới.
Thông qua các diễn đàn, nhiều chuyên gia, nhóm công tác và bộ trưởng các nền kinh tế APEC thống nhất nhiều giải pháp như: tăng cường quản lý hiệu quả, thúc đẩy đổi mới công nghệ, tiếp cận tài chính, tìm kiếm thị trường mới, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa... Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng: "Trước hết để có môi trường khởi nghiệp thì chúng ta phải thay đổi nhận thức về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Bởi vì khởi nghiệp xuất phát từ sáng tạo, mà sáng tạo thì chúng ta không thể tiền định trước là phải điều kiện này, điều kiện kia. Tạo môi trường cho khởi nghiệp là tạo môi trường cho mọi tư duy sáng tạo phát triển được. Còn nếu chúng ta tạo một cái khuôn trước thì nó không thể sáng tạo được".
Tại diễn đàn này, Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo giúp nhiều doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vươn lên tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam, cho biết: "Thông qua diễn đàn này, các bên liên quan đó là những nhà hoạch định chính sách khu vực APEC, các nhà hỗ trợ khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp và nói chung là cộng đồng khởi nghiệp… chia sẻ những kinh nghiệm và đưa ra những khuyến nghị với các bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nền kinh tế trong khu vực APEC xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đồng bộ, phát triển".
Với 21 nền kinh tế thành viên, hiện nay APEC chiếm khoảng 57% GDP và gần 50% giá trị thương mại toàn cầu. Vì vậy, những chia sẻ kinh nghiệm, các sáng kiến và công cụ hỗ trợ khởi nghiệp tại Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC là cơ hội để các nền kinh tế tiến tới hình thành một cộng đồng khởi nghiệp APEC kết nối, năng động và sáng tạo vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.