Khám phá quần thể “Đệ nhất Tây Bắc động” Pu Sam Cap

Chia sẻ
(VOV5) - Pu Sam Cap chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ, huyền bí và đặc biệt hấp dẫn những người đam mê khám phá, chinh phục thiên nhiên.

Pu Sam Cap là quần thể hang động nổi tiếng của tỉnh Lai Châu. Nơi đây được mệnh danh là “Tây Bắc đệ nhất động”, với hơn 10 hang động lớn, nhỏ, trong đó, có 3 hang động chính, gồm: Thiên Môn, Thiên Đường và Thủy Tinh. Pu Sam Cap chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ, huyền bí và đặc biệt hấp dẫn những người đam mê khám phá, chinh phục thiên nhiên.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 
Quần thể hang động kỳ vĩ nằm sâu trong lòng núi, được người dân địa phương phát hiện khi đi phát nương từ tháng 07/2006. Pu Sam Cap nằm ở độ cao từ 1.300 – 1.700m so với mực nước biển, được người dân địa phương ví như một kho báu tuyệt phẩm, một sản phẩm hoàn mỹ của thiên nhiên. Thậm chí, theo nhiều đánh giá, Pu Sam Cap không thua kém những hang động đã được khám phá, như: động Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình); động Thiên Đường (Quảng Ninh); động Hương Tích (Hà Nội)…  
Khám phá quần thể “Đệ nhất Tây Bắc động” Pu Sam Cap - ảnh 1Hệ thống nhũ đá tuyệt đẹp khiến mọi du khách sững sờ khi tận mắt chiêm ngưỡng. Ảnh: Xuân Lộc|

Anh Lê Văn Tranh, cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, giới thiệu: "Quần thể danh thắng hang động Pu Sam Cap cách thành phố Lai Châu 6km, trên đường từ thành phố đi huyện Sìn Hồ. Pu Sam Cap theo tiếng Thái có nghĩa là núi 3 hòn, tức là 3 hòn núi chồng lên nhau. Trong đó, có 3 hệ thống hang lớn, là các hang: Thiên Đường, Thiên Môn và Thủy Tinh. Hiện tại, Lai Châu đang khai thác du lịch tại 2 hang Thiên Môn và Thiên Đường."

Từ dưới chân núi, theo bậc đá đi lên vài trăm mét là cửa động Thiên Môn, điểm đầu tiên trong hành trình khám phá Pu Sam Cap. Đứng trên vòm cửa động nhìn xuống, du khách sẽ cảm nhận được vẻ hoang sơ và huyền bí của 1 hang động sâu hun hút. Đứng trong lòng động Thiên Môn, du khách như bước vào một thế giới của những tác phẩm nghệ thuật sống động mà thiên nhiên đã dựng lên.

Khám phá quần thể “Đệ nhất Tây Bắc động” Pu Sam Cap - ảnh 2Vẻ đẹp kỳ ảo của hệ thống hang động Pusamcap. Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử Lai Châu

Các cột nhũ thạch từ trên trần hang rủ xuống và từ dưới lòng đất đâm lên, trập trùng như khung cảnh núi rừng Tây Bắc thu nhỏ. Tùy vào trí tưởng tượng của mỗi du khách, những cột nhũ lại mang những hình thù khác nhau.

Trung tâm động là một vòm hang cao, rộng, với diện tích lên tới 6.000m2, mặt nền hang tương đối bằng phẳng xen kẽ với những vực nước lớn nhỏ khác nhau. Đặc biệt, ở phía cuối động, khung cảnh nguy nga, lộng lẫy như một cung điện với những cột nhũ óng ánh vài người ôm.
Anh Tranh cho biết: "Hang Thiên Môn có các cấu tạo địa chất khá cũ. Bên cạnh đó, cũng có những kiến tạo địa chất mới vẫn đang trong quá trình hình thành. Lòng hang rộng, có thể chứa được khoảng vài nghìn người. Trần hang chỗ cao nhất khoảng 50 – 60m. Trong đó, có những cột nhũ rất độc đáo."

Rời động Thiên Môn là cung đường dẫn đến động Thiên Đường, điểm thứ 2 của quần thể danh lam thắng cảnh Pu Sam Cap. Động Thiên Đường được ví như cõi bồng lai tiên cảnh, vừa tĩnh mịch, vừa huyền bí, đúng như tên gọi Thiên Đường. Ngay gần cửa động, hình ảnh đầu tiên du khách bắt gặp là 1 khối nhũ đá mang dáng hình 1 con sư tử đá với dáng ngồi oai vệ.

Đứng dưới nền động nhìn lên, sẽ có cảm giác ngỡ ngàng trước khoảng không gian vô cùng lớn bên trong. Vòm hang cao, rộng, như 1 chiếc bát tròn khổng lồ đang úp xuống. Càng đi sâu vào trong động, du khách càng bất ngờ với những tuyệt tác của thiên nhiên. Từ trần hang, những dòng nhũ đá rủ xuống như 1 giàn hoa với hình thù kỳ thú, huyền ảo, đầy màu sắc. Phía xa, 1 cột nhũ đá như cột thủy tinh sừng sững, hoa văn tự nhiên, tinh xảo, được chạm khắc bởi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân. Trong lòng hang còn có 1 hồ nước trong vắt, giữa hồ là cột tháp ngọc nổi bật, được tạo thành từ các lớp nhũ đá cao. Theo các nhà nghiên cứu, với các lớp nhũ chồng lớp lên nhau qua kiến tạo địa chất, khoảng thời gian tạo thành hình cột đá tính đến nay là hàng triệu năm. Đặc biệt, cuộc sống của bà con vùng cao Tây Bắc như được tái hiện đầy sinh động trong động Thiên Đường.

Phía trên vách núi là những nhũ đã xếp thành từng tầng, như những thửa ruộng bậc thang lấp lánh ánh vàng đang vào vụ lúa chín, phía dưới chân núi và nền động là những cột nhũ nhỏ mới hình thành, có hình dáng như những người nông dân chăm chỉ, cần mẫn với việc đồng áng.

Ông Đỗ Đức Thành, ở thành phố Lai Châu, cho biết: "Mỗi hang động có một vẻ đẹp riêng. Ngoài giá trị về văn hóa, ý nghĩa, xuất xứ của mỗi hang động cũng là 1 chứng tích của hoạt động, không gian sống của người bản địa từ lâu đời. Quần thể Pu Sam Cap như một lá chắn nối liền với dãy Hoàng Liên Sơn để bao bọc thành phố Lai Châu."

Cùng với động Thiên Môn, Thiên Đường còn có động Thủy Tinh. Tuy nhiên, động Thủy Tinh vẫn chưa được khám phá và đưa vào khai thác do địa hình tiếp cận động khá hiểm trở, nằm cheo leo trên nền cao của hệ thống hang động Pu Sam Cáp.

Người dân địa phương cho rằng động Thủy Tinh có lẽ đẹp không kém động Thiên Đường. Trong khi chờ đợi động Thủy Tinh được khám phá, du khách hoàn toàn có thể chinh phục những hang động đã được biết đến của quần thể Pu Sam Cap. Nhiều điều thú vị, bí ấn của quần thể “Đệ nhất Tây Bắc động” đang chờ những người đam mê hang động khám phá.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Lê Trang

Cần có đầu tư thỏa đáng và có tính bền vững như hay hơn như động Thiên Đường ở Quảng Bình cũng... Xem thêm