Giới chuyên gia quốc tế đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng 5,66% trong quý I năm nay. 

Giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam đang nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các chuyên gia nước ngoài, trở thành một trong những điểm đến đầu tư rất hấp dẫn của khu vực.

Giới chuyên gia quốc tế đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam - ảnh 1Ảnh minh hoạ: Tuấn Anh/TTXVN

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại thủ đô Washington D.C (Mỹ) từ ngày 15-20/4/2024, Trưởng đoàn tham vấn và giám sát kinh tế Vĩ mô Việt Nam của IMF, ông Paulo Medas, cho rằng Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài (FDI) Chuyên gia của IMF đánh giá rằng trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang chuyển dịch sang châu Á, Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường hấp dẫn, thu hút lượng lớn FDI nhờ môi trường đầu tư ổn định, nền kinh tế tăng trưởng cao, thị trường nội địa lớn và nguồn nhân lực trẻ.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam theo sức mua tương đương (PPP) sẽ đạt gần 2.343 tỷ USD vào năm 2029, vượt qua Australia và Ba Lan, xếp thứ 20 trên thế giới. Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới, vừa công bố tuần trước, cũng nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm nay và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tỏ ra lạc quan hơn khi kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,0% trong năm nay và 6,2% trong năm tới. Theo ADB, việc Việt Nam chuyển hướng nhanh chóng sang chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công quy mô lớn là một trong những biện pháp then chốt được thực hiện để duy trì phục hồi tăng trưởng. Sự phục hồi tương đối toàn diện trong các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ và hoạt động ổn định của ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi của Việt Nam.

Tại Hàn Quốc, theo bài viết đăng tải trên báo Donga Ilbo mới đây, Việt Nam đang được coi là "công xưởng thế hệ tiếp theo" và là thị trường đang phát triển để thay thế một số thị trường khác, trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tiên tiến. Bài viết chỉ rõ khả năng cạnh tranh R&D của Việt Nam được hưởng lợi từ những thay đổi trong chính sách của Chính phủ. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu vượt xa mô hình “Made in Vietnam” trước đây, vốn chỉ giới hạn ở vai trò là cơ sở gia công, để trở thành trung tâm sản xuất với kỹ thuật và năng lực sản xuất của chính mình và đang tăng cường nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

Không chỉ các tổ chức quốc tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đã có những đánh giá rất tích cực về kinh tế Việt Nam. Mới đây nhất, tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ thông báo sẽ gia tăng chi tiêu cho các đối tác trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam, nơi vốn được coi là trung tâm sản xuất chủ chốt. Trong thông báo được đưa ra nhân chuyến thăm Việt Nam hôm 15/4, Giám đốc điều hành (CEO) Apple, Tim Cook, cho biết Apple cam kết tiếp tục tăng cường sự kết nối tại Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu