Gửi yêu thương tới những người phụ nữ đặc biệt của tôi

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Những ca khúc viết về Mẹ luôn được khán thính giả đón nhận nồng nhiệt, bởi nó như nói hộ tấm lòng của những người con giành cho đấng sinh thành.

Trong mỗi người chúng ta, hình bóng mẹ hiền luôn là hình ảnh đẹp nhất. Dù bạn là ai, bạn được sinh ra từ đâu, và sau này bạn bay tới phương trời nào, thì nơi chốn thân thương nhất để bạn nhớ đến vẫn là mái ấm gia đình, và tình cảm thân thương nhất bạn ấp ủ vẫn là tình cảm dành cho mẹ. Có lẽ bởi vậy mà “Mẹ” đã trở thành một đề tài muôn thuở trong thơ ca cũng như trong âm nhạc. Để rồi mỗi khi những vần thơ và giai điệu đó được cất lên, lại làm cho chúng ta trào dâng biết bao cảm xúc.

Gửi yêu thương tới những người phụ nữ đặc biệt của tôi - ảnh 1
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Từ những xúc cảm về mẹ, nhạc sỹ Phan Huy Hà đã phổ thơ Nguyễn Đăng Độ để hoàn thiện ca khúc "Thương mẹ". Và câu chuyện xung quanh tác phẩm này cũng đầy tâm trạng, như lời chia sẻ của tác giả phần lời - nhà thơ Nguyễn Đăng Độ: "Bài thơ này tôi viết cho chính mẹ tôi, người đã sinh ra và tần tảo nuôi tôi lớn lên trên mảnh đất quê hương Hà Tĩnh rất nghèo khổ. Bao nhiêu đắng cay vất vả của những người mẹ, trong đó có mẹ tôi. Khi mẹ tôi đang nằm trên giường bệnh, cảm xúc dâng trào và tôi đã đặt bút viết: Mẹ ơi đầy giấc mơ con / Lời ru của mẹ ngấm mòn tháng năm...".
Còn nhạc sỹ Phan Huy Hà chia sẻ: "Bài thơ đầu tiên có tựa đề là Mẹ tôi, một bài thơ rất hay. Qua sự trao đổi với tác giả thơ Nguyễn Đăng Độ, anh muốn tôi viết thật nhanh và thật hay bài này vì muốn gửi tặng khi mẹ đang còn trên cõi đời. Và trong khoảng 3 tiếng, tôi đã viết xong và cùng anh Độ đổi tên thành ca khúc “Thương mẹ”. Để đi sâu vào trong lòng khán giả, tôi đã dùng chất liệu hát ru đồng bằng Bắc bộ - một trong những chất liệu dễ đem đến cho người nghe nhiều cảm xúc".

Những ca khúc viết về Mẹ luôn được khán thính giả đón nhận nồng nhiệt, bởi nó như nói hộ tấm lòng của những người con giành cho đấng sinh thành. Dù cuộc sống muôn vàn khó khăn, dù trưởng thành đến đâu đi chăng nữa thì người con vẫn luôn khắc ghi tình mẹ để sống tốt đẹp hơn, biết yêu thương hơn không phụ những hy vọng, chờ mong của mẹ.

Đó cũng là những tâm sự của nhạc sỹ Hoàng Anh Tuấn khi viết ca khúc "Con yêu mẹ": "Mẹ! Chỉ một từ thôi sao lại thiêng liêng đến thế. Tôi may mắn được lớn lên trong vòng tay ấp ôm và chở che của mẹ, vì ở ngoài kia, còn...có rất nhiều người vì một lý do nào đó, họ không được may mắn, không có mẹ hoặc không còn mẹ...! Tình thương của mẹ thì ai cũng hiểu rồi, vô cùng lớn lao, vô cùng thiêng liêng và vĩ đại. Càng lớn, được học tập và trải nghiệm cuộc sống, tôi mới thấy thương mẹ biết chừng nào, có lẽ khi chúng ta cũng được làm cha làm mẹ rồi mới hiểu và thấy thương những bậc sinh thành đã chịu biết bao khổ cực vất vả để cho chúng ta có được ngày hôm nay. Bài hát này tôi muốn gửi đến tất cả mọi người. Ai còn mẹ, hãy hiểu và yêu thương mẹ nhiều hơn. Có mẹ mới có mình... Đối với tôi "mẹ... là tất cả"!

Mới đây nhất, nhà nghiên cứu âm nhạc - nhạc sỹ Nguyễn Quang Long đã cho ra mắt ca khúc "Trúc mọc bên đình" – một bài hát mang đậm chất liệu âm nhạc dân gian đồng bằng Bắc bộ. Với giai điệu đơn giản nhưng rất “bắt tai”, được khởi nguồn từ nguồn cảm xúc trong những câu Quan họ giã bạn, trong câu hát Cây trúc xinh vốn đã rất quen thuộc với mỗi người dân Kinh Bắc - Bắc Ninh và Bắc Giang, “Trúc mọc bên đình” chỉ vẻn vẹn có 4 câu hát ngắn chia thành hai phần, phần mở đầu và điệp khúc. Vậy nhưng, ca từ của ca khúc thì lại rất đáng yêu, như lời “nũng nịu” đầy yêu thương của cô gái trẻ dành cho người mình thương, cùng với đó là sự nhớ nhung và mong ngày gặp lại.

Tác giả chia sẻ: "Bài hát "Trúc mọc bên đình" ngợi ca hình ảnh và vẻ đẹp của người phụ nữ VN. Chúng ta đang ở trong những ngày đẹp đẽ của mùa xuân rộn ràng ở vùng quê Kinh Bắc, đồng thời cũng tưng bừng trong không khí kỉ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Vì thế, tôi muốn gửi tặng ca khúc này tới những người phụ nữ, mong mỗi người đều có được cho mình một tình yêu thật đẹp, thật vững vàng và bền lâu như hình ảnh cây trúc mọc ở bên đình của làng quê Việt Nam".

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu