Người dân xã Lăng, tỉnh Quảng Nam thoát nghèo nhờ trồng cây ba kích

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Xã Lăng là 1 trong 3 xã trọng điểm trồng cây ba kích ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Nghe âm thanh bài tại đây:

 Nhờ trồng cây ba kích, người dân xã Lăng cơ bản thoát nghèo, cuộc sống ngày càng cải thiện.

Xã Lăng có hơn 650 hộ dân, với hơn 2.500 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là người dân tộc Cơ Tu. Người dân nơi đây chọn cây ba kích tím làm cây trồng chính, để phát triển kinh tế. Ông Bríu Pố, già làng ở xã Lăng, cho biết: "Ba kích là cây thân dây có từng đốt, như cây khoai lang, dễ mọc, tốn ít công chăm sóc. Tôi gọi cây ba kích là cây lười. Trung bình trồng 5 khóm thu hoạch được 1 kg ba kích, 1 năm thu nhập hơn 100 triệu đồng (4.120 USD). Cây ba kích là một trong những cây xóa đói, giảm nghèo. Ước tính, từ 65% đến 70% hộ gia đình trong xã nhờ trồng cây ba kích mà xóa được đói, giảm được nghèo."

Người dân xã Lăng, tỉnh Quảng Nam thoát nghèo nhờ trồng cây ba kích - ảnh 1Cây ba kích trồng trong rừng. Ảnh: Ngọc Anh

Hiện, ở xã Lăng đã hình thành vùng bảo tồn cây ba kích tím rộng 6 ha dưới tán rừng nguyên sinh. Xã khuyến khích, tạo điều kiện bà con phát triển mô hình trồng cây ba kích. Họ được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật ươm cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế ba kích. Anh Bhling Phát, trưởng thôn Pơr’ning, xã Lăng, cho biết: "Hướng phát triển cây dược liệu trên địa bàn xã Lăng là trồng cây ba kích tím bản địa. Riêng thôn Pơr’ning cũng có vườn trồng cây ba kích, rộng gần 10 ha. Trong các gia đình trồng cây ba kích, tiêu biểu là hộ gia đình ông Cơlâu Thái Ngọc, trồng gần 5 ha. Mô hình trồng cây ba kích của hộ ông Cơlâu Thái Ngọc rất tốt, vừa trồng vừa nhân giống phục vụ cho những gia đình có nhu cầu. 1 kg ba kích giá 500.000 đồng (hơn 20 USD/kg). Cây ba kích là cây dược liệu quý. Tác dụng ba kích rất nhiều, củ ba kích để ngâm rượu chữa bệnh mỏi đau xương khớp, cơ thể khỏe mạnh."

Cùng với việc phát triển vùng trồng, bảo tồn vùng ba kích, hiện, huyện Tây Giang còn có các cơ sở kinh doanh cây ba kích và các sản phẩm từ ba kích, như: Chính Châu, Đức Huy và một số cơ sở nhỏ, như: Hợp tác xã Thiên Bình, Hợp tác xã Nông nghiệp Ch’Ơm, Ga Ry. Những doanh nghiệp này đã tham gia liên kết cung ứng giống, sản xuất, tiêu thụ cây ba kích với người dân. Sản phẩm từ ba kích được phát triển đa dạng và chế biến sâu. Đã có những sản phẩm từ cây ba kích ở huyện Tây Giang được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm), như: trà thảo mộc ba kích, rượu ba kích, cao ba kích.

Người dân xã Lăng, tỉnh Quảng Nam thoát nghèo nhờ trồng cây ba kích - ảnh 2Củ ba kích - Ảnh: Ngọc Anh

Theo quy hoạch, đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu 9 loại cây dược liệu (Đảng sâm, Ba kích tím, Sa nhân, Đương quy, Giảo cổ lam, Lan kim tuyến, Nghệ, Cà gai leo và Đinh lăng) với diện tích cây dược liệu đạt gần 40.000 ha.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Quảng Nam là địa phương có rất nhiều cây dược liệu. Chủ trương của tỉnh Quảng Nam là trung tâm dược liệu của miền Trung - Tây Nguyên. Chủ trương này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý."

Xã Lăng được ví như một trong những “thủ phủ” trồng cây ba kích ở tỉnh Quảng Nam. Giờ đây, ở xã Lăng, hộ dân ít nhất cũng trồng được trăm gốc ba kích, có hộ trồng hàng nghìn gốc. Không chỉ xóa đói, giảm nghèo, nhiều người dân nơi đây đã đổi đời, giàu lên nhờ trồng cây ba kích

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu