Ngư dân xã Tam Quang, tỉnh Quảng Nam vươn khơi, bám biển

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) -Tam Quang có hơn 13.000 dân, là xã đông dân nhất ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là xã trọng điểm về nghề đánh bắt cá ở huyện Núi Thành.

Nghe âm thanh bài tại đây:

 

Đa số người dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Toàn xã có hơn 340 tàu thuyền khai thác hải sản trên biển, trong đó có hơn 200 tàu đánh bắt xa bờ.

Huyện Núi Thành có nghề đánh bắt cá phát triển nhất ở tỉnh Quảng Nam. Trong số hơn 3.000 tàu cá của tỉnh Quảng Nam, có khoảng 70% tàu cá tập trung ở huyện Núi Thành. Đội tàu đánh bắt cá xa bờ hùng hậu của huyện Núi Thành thuộc 3 nghiệp đoàn ở 3 xã: Tam Quang, Tam Hải và Tam Giang, với hàng chục tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang thành lập đã hơn 10 năm qua (7/6/2012), là điểm tựa vững chắc, đồng hành hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác hải sản.

Ngư dân xã Tam Quang, tỉnh Quảng Nam vươn khơi, bám biển - ảnh 1Cảng cá Tam Quang nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Anh

Thuận lợi của nghề cá xã Tam Quang là cảng cá Tam Quang trên địa bàn xã đang tiếp tục được đầu tư, nâng cấp từ cảng cá loại 2 trở thành cảng cá loại 1. Cảng cá Tam Quang đáp ứng tốt nhu cầu hậu cần của nghề biển, vì có khu chế biến hải sản; khu sửa chữa tàu cá và sản xuất có hoạt động cung cấp ngư lưới cụ và gắn kết với các cơ sở dịch vụ, chợ cá trên địa bàn.

Ông Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá và quản lý cảng cá tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Cảng cá Tam Quang chính thức đi vào hoạt động ngày 10/2/2022. Cảng dài 254 m, đã bàn giao 163 m, còn lại đang tiếp tục thi công, dự kiến cuối năm nay bàn giao toàn bộ. Từ khi đi vào hoạt động, cảng cá Tam Quang đã hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản, tiếp nhu yếu phẩm cho các tàu đi biển dài ngày, nhằm vươn khơi, bám biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đưa cảng cá Tam Quang vào danh sách cảng có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc khai thác hải sản, kiểm soát hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định, chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU)."

Ngư dân xã Tam Quang, tỉnh Quảng Nam vươn khơi, bám biển - ảnh 2Tàu đánh cá neo đậu ở cảng cá Tam Quang. Ảnh: Ngọc Anh

Điểm sáng đặc biệt của nghề đánh cá ở xã Tam Quang là đa số ngư dân sản xuất theo mô hình tàu mẹ - tàu con. Theo đó, tàu con theo tàu mẹ ra khơi cùng đánh bắt hải sản rồi vận chuyển hải sản về bờ bán, mua nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, các vật dụng thiết yếu khác, tiếp tục ra khơi để phục vụ hậu cần. Mô hình này giúp ngư dân giảm chi phí nhiên liệu, tăng năng lực khai thác hải sản, giảm hao hụt sản phẩm sau khai thác. 

Anh Đỗ Hữu Hòa, ngư dân xã Tam Quang, chủ tàu cá Quảng Nam 90442, cho biết: " Một chuyến đi biển khoảng 15 ngày, tàu hoạt động ở một vùng biển nhất định. Ngư trường là vùng biển Việt Nam, cứ chỗ nào có cá là đi. Nhờ sự giám sát của máy hành trình, bà con biết tới đâu là dừng, tới đâu là được phép đến, khai thác chỗ nào là của vùng biển Việt Nam. Quy định chung của Nhà nước nên bà con tuân thủ."

Hằng năm, chính quyền xã Tam Quang phối hợp với các cơ quan chức năng tập huấn tuyên truyền trong ngư dân về chủ quyền biển đảo. Trước hết là tuân thủ các quy định của Luật Thủy sản, tránh khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định (IUU). Đồng thời tuyên truyền cho ngư dân thông qua loa phát thanh, nhắn qua Zalo. Tàu dài 15 m trở lên đều lắp máy giám sát hành trình, tàu nào không lắp máy không được ra khơi.

Ngư dân xã Tam Quang, tỉnh Quảng Nam vươn khơi, bám biển - ảnh 3Tàu cá xã Tam Quang ra khơi đánh bắt cá xa bờ. Ảnh: Ngọc Anh

Để nghề cá phát triển bền vững, chính quyền xã Tam Quang, đặc biệt là các lực lượng chức năng, luôn sát cánh đồng hành, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, các lực lượng chức năng đều có mặt kịp thời để ứng cứu, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân. 

Anh Phan Vĩnh Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang, cho biết: "Cảnh sát biển cùng với lực lượng biên phòng hỗ trợ bà con, tạo động lực lớn để ngư dân vươn khơi, bám biển. Chúng tôi phối hợp với đồn biên phòng cửa khẩu Kỳ Hà tuyên truyền pháp luật trên biển, hỗ trợ cho bà con phương tiện thông tin liên lạc. Chúng tôi mở nhiều lớp tuyên truyền kỹ thuật đánh bắt và sơ chế hải sản trên biển."

Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ ngư dân vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi để phát triển nghề cá. Nhờ nguồn vốn này, bà con ngư dân xã Tam Quang đóng được những tàu công suất lớn. Từ chính sách hỗ trợ vay vốn của Nhà nước cùng với nỗ lực của người dân, những năm gần đây, ngư dân đã thay đổi phương tiện đánh bắt xa bờ, có phương tiện tốt hơn để đánh bắt xa bờ, hiệu quả đánh bắt cao hơn. Bình quân thu nhập của ngư dân là hơn 100 triệu đồng/năm (gần 4.100 USD/năm).

Ngư dân Trần Hò, xã Tam Quang, cho biết: "Từ ngày tỉnh Quảng Nam có quỹ hỗ trợ ngư dân cho bà con ngư dân vay vốn, ngư dân rất phấn khởi. Nếu như không có quỹ hỗ trợ này giúp ngư dân đóng mới, hoán cải tàu đánh cá thì bà con không làm ăn được, rất khó khăn. Qua quỹ hỗ trợ, tôi vay vốn 1 tỷ 50 triệu đồng (hơn 43.000 USD) đóng tàu công suất 718 CV vươn khơi ra vùng biển Hoàng Sa, bám biển ngư trường Hoàng Sa."

Tận dụng lợi thế về tài nguyên biển, ngư dân xã Tam Quang đã và đang tích cực bám biển để khai thác, đánh bắt hải sản. Nhờ phát triển nghề cá theo hướng bền vững, đời sống của ngư dân xã Tam Quang ổn định, chuyển biến tích cực, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế biển ở tỉnh Quảng Nam. Nghề cá xã Tam Quang đã góp phần quan trọng giúp xã Tam Quang đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2019. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu