Châu Âu đẩy mạnh kiểm soát các tập đoàn công nghệ khổng lồ

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Các cơ quan quản lý EU đặt ra thời hạn 6 tháng để 6 tập đoàn công nghệ khổng lồ tiến hành  thay đổi, trước khi đạo luật các thị trường kỹ thuật số có hiệu lực toàn diện từ ngày 07/03.

Hôm 07/03, Đạo luật các thị trường kỹ thuật số (DMA) của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực đầy đủ. Đây được xem là bước đi cứng rắn của EU nhằm kiểm soát các hành vi kinh doanh gây tranh cãi của tập đoàn công nghệ khổng lồ.

Châu Âu đẩy mạnh kiểm soát các tập đoàn công nghệ khổng lồ - ảnh 1Biểu tượng của Facebook, WhatsApp và Instagram. Ảnh: AFP/TTXVN

Đạo luật các thị trường kỹ thuật số (DMA) được EU công bố và đưa vào thực thi từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý EU đặt ra thời hạn 6 tháng để 6 tập đoàn công nghệ khổng lồ tiến hành các thay đổi theo yêu cầu, trước khi DMA chính thức có hiệu lực toàn diện từ ngày 07/03.

Siết chặt kiểm soát Big Tech

Theo nội dung DMA, EU gắn mác “Người gác cổng” điều hành các dịch vụ cốt lõi của Internet đối với 6 tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm: Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft cùng của Mỹ và ByteDance (Trung Quốc), chủ sở hữu ứng dụng TikTok. Theo đó, 22 dịch vụ nền tảng của 6 tập đoàn công nghệ này, trong đó có App Store của Apple; Facebook, Instagram và WhatsApp của Meta; nền tảng video YouTube; trình duyệt Chrome của Google, và Safari của Apple… sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý châu Âu. Nếu bị phát hiện có các hành động vi phạm DMA, như: cạnh tranh không công bằng, thiếu kiểm soát nội dung, thông tin sai lệch… 6 tập đoàn “Người gác cổng” sẽ bị phạt từ 10-20% doanh thu toàn cầu hoặc bị cấm một số hoạt động trong trường hợp tái phạm.

Châu Âu đẩy mạnh kiểm soát các tập đoàn công nghệ khổng lồ - ảnh 2Phó Chủ tịch Ủy ban châu âu (EC), đồng thời là Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề chống độc quyền, bà Margrethe Vestager. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là được xem là động thái mạnh tay của EU với các tập đoàn công nghệ khổng lồ sau nhiều năm tranh cãi gay gắt quanh việc quản lý cạnh tranh và kiểm soát các hành vi kinh doanh bị châu Âu xem là không công bằng. Minh chứng cho quyết tâm đó, hôm 04/03, EU ra phán quyết phạt tập đoàn Apple (Mỹ) số tiền lên tới 1,84 tỷ euro (2 tỷ USD) vì vi phạm luật chống độc quyền của khối này khi ngăn chặn ứng dụng nghe nhạc Spotify và các dịch vụ âm nhạc phát trực tiếp khác bằng cách không thông báo cho người dùng các tùy chọn thanh toán ngoài kho ứng dụng App Store của Apple. Phó Chủ tịch Ủy ban châu âu (EC), đồng thời là Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề chống độc quyền, bà Margrethe Vestager, cũng yêu cầu Apple gỡ bỏ các hạn chế trên App Store nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định trong DMA của EU. Bà Vestager cảnh báo: “Điều vô cùng quan trọng là cần phải buộc các công ty như Apple phải chịu trách nhiệm cho việc vi phạm các luật lệ của Liên minh châu Âu. Nếu họ lợi dụng vị thế thống trị trên thị trường, chúng tôi sẽ tìm ra các hành vi trái luật đó”.

Theo giới chuyên gia công nghệ, khi DMA có hiệu lực toàn diện từ ngày 07/03, các tập đoàn công nghệ lớn, như; Apple, Alphabet buộc phải cho phép người dùng iPhone tại châu Âu tải ứng dụng bên ngoài App Store. Người dùng cũng không bị buộc phải sử dụng lựa chọn mặc định cho loạt dịch vụ chủ yếu. Quy định này chấm dứt tình trạng sản phẩm Apple chỉ gắn liền với trình duyệt Safari, hệ điều hành Android chỉ sử dụng ứng dụng Search của Google. Microsoft cũng ngừng ép người dùng sử dụng trình duyệt Edge. Ngoài ra, việc tìm kiếm trên Internet cũng thay đổi. Một số kết quả tìm kiếm của Google sẽ hiển thị khác đi vì DMA cấm công ty công nghệ ưu tiên dịch vụ của chính họ.

Người dùng cũng có quyền không cho sử dụng dữ liệu cá nhân cho mục đích quảng cáo. Đặc biệt, Meta cho phép tách tài khoản Facebook khỏi tài khoản Instagram, như vậy tập đoàn này không thể dựa trên thông tin người dùng thu thập từ 2 nền tảng để chọn lọc quảng cáo gửi đến người dùng.

Cơ hội cho các công ty công nghệ nhỏ

Bên cạnh việc hạn chế quyền lực ngày càng gia tăng của các tập đoàn công nghệ khổng lồ, 1 trong những điểm đáng chú ý nhất mà DMA mang lại là tiềm năng thúc đẩy các công ty công nghệ có quy mô vừa và nhỏ phát triển. Chuyên gia Christophe Carugati, từ hãng tư vấn Digital Competition, nhận định các công ty công nghệ nhỏ tại châu Âu hưởng lợi lớn từ DMA khi có thêm nhiều lựa chọn và không gian phát triển hơn. Đây cũng được xem là một trong những mục đích chính khi EU xây dựng DMA bởi trong những năm qua các công ty công nghệ châu Âu đang yếu thế trước sức ép cạnh tranh lớn từ các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ và Trung Quốc. Phó Chủ tịch EC, bà Margrethe Vestager cho biết: “DMA mang lại lợi ích cho tất cả những bên tham gia vào thị trường số bởi toàn bộ quan điểm của DMA là thị trường số cần phải mở, để có sự đổi mới, có sự cạnh tranh và có sự tự do lựa chọn cho người tiêu dùng”.

Đánh giá DMA là một chiến lược đúng của EU nhưng Sophie Dembinski, Giám đốc quảng cáo tại Ecosia, công ty phát triển công cụ tìm kiếm Internet có trụ sở tại Đức, cho rằng còn quá sớm để nhận định sẽ có những thay đổi lớn về thị phần trên thị trường kỹ thuật số. Các tập đoàn công nghệ bị kiểm soát bởi DMA đang có các kế hoạch về pháp lý để phản đối EU. Theo Apple, việc EU buộc tập đoàn này tiến hành các thay đổi trong hệ điều hành iOS, trình duyệt Safari hay App Store sẽ khiến người dùng và các nhà phát triển gặp nhiều rủi ro hơn về an ninh, khi các bên thứ 3 có thể cài các ứng dụng gây hại vào hệ thống qua đó gia tăng các hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền riêng tư của người dùng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu