Ngày Internet An toàn hơn: góc nhìn từ Việt Nam

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Một trong những giải pháp để hướng người dùng Internet tại Việt Nam sử dụng mạng một cách an toàn, lành mạnh đó là giáo dục.

Năm nay, Ngày Internet An toàn hơn (Safer Internet Day) là ngày 06/02. Đây là ngày được hơn 150 quốc gia trên toàn cầu công nhận với ý nghĩa thúc đẩy việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số một cách an toàn. Ngày Internet An toàn hơn cũng nhằm nhắc nhở mọi người rằng sự an toàn của mỗi cá nhân trên mạng phụ thuộc chủ yếu vào chính bản thân họ. Tại Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn trên không gian mạng là một trong những vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm.

Ngày 19/11/1997, Internet chính thức được cung cấp cho người dân cả nước. Từ đó đến nay, Internet Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc.

Internet phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam

Hiện, Việt Nam nằm trong top đầu những quốc gia có lượng người dùng Internet nhiều nhất trên thế giới. Theo thống kê của Công ty chuyên phân tích mạng xã hội toàn cầu We are social, tính đến năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng internet, tương đương 79,1% dân số. Tại Việt Nam, có trên 150 triệu thiết bị có kết nối di động; mạng 3G, 4G đã phủ sóng gần như toàn quốc. Hiện nay, hầu hết các mạng xã hội lớn đều hoạt động ở Việt Nam. Ở Việt Nam, người dân có thể truy cập Internet ở hầu như bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào, thậm chí được sử dụng miễn phí. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, gần như 100% người trưởng thành Việt Nam đã phổ cập Internet. Từ thành thị đến nông thôn, hạ tầng băng rộng triển khai mạnh, đảm bảo tối thiểu 95% các khu vực dân cư được phủ sóng 3G, 4G, đưa Việt Nam tiệm cận mức phổ biến cao nhất tương đương với những quốc gia phát triển trên thế giới. Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cho rằng:  

Từ khi Internet được triển khai ở Việt Nam, Việt Nam đã có sự phát triển đột phá. Trước hết, ở góc độ là hạ tầng công nghệ. Từ hạ tầng bằng cáp đồng với dung lượng và đường truyền quốc tế khiêm tốn trước đây, hiện nay đã là cáp quang hóa, dịch vụ di động tiến tới 5G. Đặc biệt, những công nghệ để cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ online, dịch vụ nội dung số đã đạt được những bước tiến không ngờ. Bên cạnh đó, giá trị sử dụng dịch vụ Internet đã đem lại sự phát triển kinh tế - xã hội, đem lại đời sống văn hóa, tri thức… Đây là giá trị rất quý, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày Internet An toàn hơn: góc nhìn từ Việt Nam - ảnh 1Ảnh minh họa: TTXVN

Các nền tảng, dịch vụ tài nguyên số là yếu tố quan trọng tạo đà phát triển cho hạ tầng internet Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến, dẫn đầu khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); đến năm 2030, mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc, mọi người dân được truy cập internet băng thông rộng với chi phí thấp. Các tuyến cáp quang biển tại Việt Nam sẽ do Việt Nam xây dựng, dữ liệu tại Việt Nam sẽ do người Việt Nam tạo ra và lưu giữ.

Đảm bảo không gian mạng an toàn cho mọi người dân

Trong bối cảnh hiện nay, Internet được coi là trụ cột cốt lõi của xã hội thông tin hiện đại. Theo báo cáo Digital 2024 Global Overview Report do MeltWater cùng WeAreSocial phối hợp công bố, có đến 73,3% trong tổng số hơn 99 triệu dân số Việt Nam đang dùng mạng xã hội. Trong đó, thời gian trung bình người dùng tại Việt Nam lướt mạng xã hội mỗi ngày là 2 giờ 25 phút, thuộc Top 20 trên thế giới.

Bên cạnh những mặt tích cực mà mạng xã hội nói riêng, không gian mạng nói chung mang lại cho đời sống, môi trường này cũng còn tồn tại những vấn đề cần phải giải quyết không chỉ ở riêng Việt Nam mà còn ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng:    Hiện nay, thông tin giả, xấu độc lan truyền rất nhanh, có thể tính bằng giây. Do đó, chúng ta phải khẩn trương có khung thời gian để đảm bảo quét được những thông tin sớm, thực hiện các quyền phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Ở đây không có tự do ngoài khuôn khổ. Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân phải đảm bảo thực hiện đúng quy định của Hiến pháp và các nội dung pháp luật liên quan.  

Ngày Internet An toàn hơn: góc nhìn từ Việt Nam - ảnh 2Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam. Ảnh: PV/Vietnam+

Một trong những giải pháp để hướng người dùng Internet tại Việt Nam sử dụng mạng một cách an toàn, lành mạnh đó là giáo dục, phổ biến pháp luật liên quan đến không gian mạng từ sớm đối với các em học sinh. Theo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 11/01/2021, từ lớp 10, học sinh được học về Luật An ninh mạng trong chương trình môn giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông. Em Hoàng Hải Vân, học sinh trường THPT Lương Thế Vinh, cho biết:Trong mục hướng dẫn sử dụng mạng xã hội, nhà trường luôn nhắc nhở chúng em không được nói tục, không được nói xấu bất cứ một cá nhân nào trên mạng xã hội. Cùng với đó là việc phải biết bày tỏ quan điểm cũng như giữ thái độ tỉnh táo trước những nội dung xấu và phải chịu trách nhiệm trước những hành vi của mình trên mạng xã hội.

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua cũng đã có các cuộc làm việc với đại diện các đơn vị, như: Facebook, Youtube, TikTok, Google… yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới phải đáp ứng yêu cầu trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc hại do những đơn vị này cung cấp nhằm bảo vệ người sử dụng Internet của Việt Nam khỏi những tác động xấu của môi trường mạng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu