Trong tháng 9, khu vực phía Tây của tỉnh Yên Bái diễn ra nhiều sự kiện du lịch lớn, như: lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò và Ngày hội văn hóa các dân tộc Yên Bái năm 2023; lễ hội Trà Shan tuyết, Festival trình diễn khèn Mông... Những lễ hội này giới thiệu nét văn hóa đặc sắc, quảng bá tiềm năng du lịch, thu hút đầu tư, kích cầu du lịch, tiếp tục xây dựng Yên Bái là Điểm đến hấp dẫn và thân thiện.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò và Ngày hội văn hóa các dân tộc Yên Bái năm nay khai mạc vào 20h00 ngày chủ nhật (30/9), tại sân vận động thị xã Nghĩa Lộ, với chương trình nghệ thuật đặc sắc và màn đại xòe đoàn kết của 2.000 nghệ nhân, diễn viên là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Hàng năm, thị xã Nghĩa Lộ tổ chức thành công Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò. Ảnh: Báo Yên Bái |
Với chủ đề "Mường Lò - Tinh hoa miền di sản”, Lễ hội có 30 hoạt động thu hút khách du lịch, như: diễu diễn đường phố; lễ hội rước đèn Trung thu; không gian văn hóa các dân tộc Yên Bái; hội thi ẩm thực truyền thống; không gian chợ phiên; hoạt động bay dù lượn khám phá thung lũng Mường Lò... Tại các xã, phường, nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao; du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm...cũng được tổ chức.
Ông Lương Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ, cho biết: "Các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội kéo dài trong một tháng. Trong đó có những nội dung mới chúng tôi đưa vào, như: hội thi ẩm thực, thi các trò chơi dân gian, chế tác nhạc cụ dân tộc, viết chữ Thái cổ…".
Lễ hội Trà Shan tuyết diễn ra tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái - Ảnh: VOV |
Cũng vào dịp cuối tháng 9 này, Lễ hội Trà Shan tuyết diễn ra tại huyện Văn Chấn, với điểm nhấn là Chương trình Nghệ thuật với chủ đề "Tinh hoa giữa ngàn mây”, kết hợp với trình diễn múa khèn của đồng bào dân tộc Mông; giải leo núi "Bước chân trên mây” chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải diễn ra “Festival Khèn Mông”. Trước đó, từ 16 - 18/9 là các hoạt động du lịch “Bay trên mùa vàng” tại đây. Cùng với việc tổ chức các hoạt động lễ hội phong phú, để thu hút khách, các ngành chức năng, các cơ sở du lịch, chủ các homestay, nhà hàng trên địa bàn các huyện rất chú trọng nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng phục vụ... Qua đó, thu hút khách du lịch lưu trú dài ngày hơn.
Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, chia sẻ: "Năm nay, có rất nhiều điểm mới. Chúng tôi đang chỉ đạo các cơ quan, các xã xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động này. Năm nay có thêm một hoạt động nữa mang tính chất quốc tế là Tuần Văn hóa Việt - Nhật kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản".
Theo bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, cùng với việc tổ chức một loạt các lễ hội trong tháng 9, tỉnh mong muốn kết nối tour, tuyến du lịch với các tỉnh Tây Bắc để cùng khai thác tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế: "Chúng tôi phối hợp với các sở, ngành, địa phương nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch mới nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, nhằm tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo của từng địa phương mà không tạo ra sự chồng chéo, để thu hút khách du lịch".
Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, những nét văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc thiểu số, các lễ hội, hoạt động du lịch có điểm nhấn là những lợi thế của du lịch Yên Bái. Và tỉnh sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đón 1,5 triệu lượt khách trong năm nay khi 8 tháng qua, gần 1,3 triệu lượt khách đã tìm đến với tỉnh miền núi phía Bắc này.