Xây dựng Chiến lược về sở hữu trí tuệ sẽ là nền tảng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tiến tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tới. Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Tọa đàm góp ý dự thảo Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức sáng 3/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa TTXVN |
Dự thảo Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đặt nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó phấn đấu đến năm 2030, chỉ số về tài sản trí tuệ trong Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII) tăng trung bình 10%; hình thành và phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng sở hữu trí tuệ, gia tăng đáng kể đóng góp vào GDP; phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 25% và đến năm 2030 ít nhất 50% số doanh nghiệp Việt Nam đưa công cụ sở hữu trí tuệ vào chiến lược sản xuất, kinh doanh.
Theo chuyên gia Trần Việt Thanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, sở hữu trí tuệ chính là động lực, công cụ phục vụ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cũng như phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, xây dựng một chiến lược tổng thể về sở hữu trí tuệ là cần thiết để làm động lực, công cụ phát triển đất nước, trong đó ban hành quy định cụ thể kết quả nghiên cứu phải được xác lập sở hữu trí tuệ.
Tại Tọa đàm, đại diện nhiều doanh nghiệp, nhà khoa học đề nghị Chiến lược cần có quy trình xác lập quyền nhanh chóng, kịp thời. Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ hiện nay, việc cấp bằng sở hữu trí tuệ khá lâu sẽ dẫn đến mất tính mới trong sản phẩm nghiên cứu, công nghệ; khả năng ứng dụng kết quả chậm ảnh hưởng đến hiệu quả nghiên cứu, đầu tư…