Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) -  Việc gia nhập công ước 159 là sự tiếp tục khẳng định và triển khai thực hiện chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với người khuyết tật theo hướng giúp họ hòa nhập bền vững.

Sáng 13/09, tại Hà Nội, diễn ra Lễ công bố việc Việt Nam gia nhập 2 công ước kỹ thuật của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) là Công ước số 88 về tổ chức dịch vụ, việc làm và Công ước 159 về phục hồi chức năng lao động và việc làm cho người khuyết tật. Việc gia nhập và thực hiện 2 công ước này góp phần thể hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực lao động.

Công ước số 88 là công ước kỹ thuật của ILO về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của hệ thống dịch vụ việc làm công. Việc gia nhập và thực hiện Công ước số 88 sẽ góp phần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về lao động, việc làm nói chung, về dịch vụ việc làm nói riêng, giúp phát triển hệ thống dịch vụ việc làm theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại.

Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động - ảnh 1Ông Chang – Hee Lee, Giám đốc văn phòng ILO tại Việt Nam

Trong khi đó, việc gia nhập công ước 159 là sự tiếp tục khẳng định và triển khai thực hiện chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với người khuyết tật theo hướng giúp họ hòa nhập bền vững trong xã hội thông qua việc phục hồi chức năng lao động, khả năng có và duy trì việc làm của người khuyết tật. Đánh giá về sự kiện này, Giám đốc văn phòng ILO tại Việt Nam, ông Chang – Hee Lee cho rằng: “Việc tham gia hai công ước này chứng minh cam kết của Việt Nam trong việc loại bỏ phân biệt đối xử cũng như tăng cường các cơ hội cho tất cả người lao động. Cả 2 công ước đều phù hợp với bối cảnh Việt Nam ngày hôm nay.

Quá trình hiện đại hóa kinh tế của Việt Nam đòi hỏi cần phải xây dựng các cơ chế chính thức để có thể kết nối công việc hiệu quả hơn. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã nêu rất rõ trong định hướng phát triển của mình hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao dựa trên tăng trưởng bao trùm cho tất cả mọi người, và việc mở ra cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người thì Công ước 88 và 159 sẽ giúp thực hiện mục tiêu trên”.

Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động - ảnh 2Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội,  phát biểu tại lễ công bố.

Để đảm bảo thực thi tốt hai công ước, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết: “Đối với công ước số 88, Việt Nam cần hoàn thiện pháp luật và tổ chức dịch vụ việc làm để đảm bảo kết nối tốt hơn giữa hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp mà hoạt động về dịch vụ việc làm. Đồng thời cũng tiếp tục hoàn thiện các quy định về chức năng nhiệm vụ, tài chính và thu phí của các trung tâm, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp.

Đối với 159, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai các quy định của pháp luật về đánh giá mức độ khuyết tật theo khả năng lao động, từng bước đảm bảo bình đẳng về cơ hội thực chất và đối xử công bằng giữa người khuyết tật và người không khuyết tật”.

Công ước số 88 và Công ước số 159 của Tổ chức lao động quốc tế lần lượt có hiệu lực đối với Việt Nam vào tháng 1 và tháng 3 năm 2020.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu