Hội thảo “Cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp và chuỗi cung ứng xuất khẩu của Việt Nam”, do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức sáng nay (17/10), tại Hà Nội.
Các đại biểu tham dự hội thảo “Tiêu chuẩn lao động quốc tế: Cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp và chuỗi cung ứng xuất khẩu của Việt Nam”. Ảnh Doanhnghiep.vn |
Từ đầu tháng 6 năm nay, Hạ viện châu Âu đã thông qua Chỉ thị bắt buộc doanh nghiệp có quy mô nhất định sẽ phải thực hiện truy soát chuỗi cung ứng về thực thi trách nhiệm xã hội và môi trường, bao gồm cả các tiêu chuẩn lao động, khi nhập khẩu hàng hóa vào thị trường này.
Theo đó, từng nước trong Liên minh Châu Âu (EU) đã và đang nội luật hóa và triển khai quy định này. Đáng chú ý là xu thế tăng cường kiểm soát tiêu chuẩn lao động, đang diễn ra ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp và chuỗi cung ứng xuất khẩu trong thời gian tới. TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: "Một số quốc gia trong EU hay Mỹ đã áp đặt các tiêu chuẩn về lao động, không chỉ đưa ra yêu cầu mà đòi hỏi phải nội luật hóa và thực thi các yêu cầu đó. Việt Nam cần có sự chuẩn bị trước và sẵn sàng thay đổi để đáp ứng yêu cầu, từ đó hàng hóa, dịch vụ Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong tiếp cận các thị trường này."
Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTAs), các FTAs được thực thi cho phép hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường ở trên 50 quốc gia, bao gồm hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2022, xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021, trong đó có phần đóng góp quan trọng của thương mại với các thị trường trong các FTAs thế hệ mới.