Việt Nam nuôi cấy phân lập thành công virus COVID-19

Kim Xuân
Chia sẻ
(VOV5) - Kết quả nuôi cấy thành công này sẽ giúp trả lời chính xác về nguồn gốc của virus, độc lực, cơ chế gây bệnh, tính sinh miễn dịch của virus COVID-19 với tế bào chủ.

Mới đây, các nhà khoa học của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus Covid-19 trong phòng thí nghiệm sau 72 giờ. Thành tựu y khoa nổi bật này giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia thành công trong phân lập virus này.

Các nhà khoa học của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã sử dụng mẫu bệnh phẩm dương tính với virus COVID-19 ở miền Bắc cho quá trình nghiên cứu. Virus này được dùng để phân lập trên dòng tế bào vero do phòng thí nghiệm Hữu nghị của Đại học Nagasaki (Nhật Bản) cung cấp. Quá trình nghiên cứu diễn ra phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp ba - cấp độ an toàn sinh học áp dụng đối với các tác nhân gây bệnh nguy hiểm của Viện.

Đây cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam có đủ điều kiện và đảm bảo an toàn không phát tán những virus nguy hiểm ra bên ngoài. Các chuyên gia đã gây nhiễm tế bào vero, sau đó quan sát và theo dõi nó hàng ngày bằng kính hiển vi và xác định sự có mặt của virus bằng phương pháp Realtime RT-PCR mỗi ngày. Sau 72 giờ gây nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phát hiện sự xuất hiện của virus trên tế bào cảm nhiễm.

Việt Nam nuôi cấy phân lập thành công virus COVID-19 - ảnh 1Việc nuôi cấy phân lập thành công virus Covid-19 sẽ là tiền đề trong việc nghiên cứu và phát triển vacxin trong tương lai. Ảnh VOV 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng khoa virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết: "Đến 72 giờ thì mình thấy nồng độ của nó tăng và tăng một mức đáng kể. Khi đó, mình nghĩ đến việc xác định hình ảnh của con virus bằng kính hiển vi điện tử truyền quang. Chính vì vậy, khi xác định được nồng độ của virus, bản chất con virus đã có trên hình ảnh thì chúng tôi rất vui mừng và khẳng định được rằng mình đã phân lập thành công con virus đó."

Thạc sĩ Ứng Thị Hồng Trang, Trung tâm Cúm Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết: "Khi chúng tôi xác định đây là một chủng nguy hiểm thì chúng tôi đã phải nâng mức độ nguy hiểm an toàn sinh học của nó lên một cấp độ mới, đó là cao hơn mức của nó được Tổ chức Y tế khuyến cáo để vừa bảo vệ cho bản thân những người làm trong phòng thí nghiệm vừa là bảo vệ cho cộng đồng."

Kết quả nuôi cấy thành công này sẽ giúp trả lời chính xác về nguồn gốc của virus, độc lực, cơ chế gây bệnh, tính sinh miễn dịch của virus COVID-19 với tế bào chủ cung cấp các thông tin cần thiết để lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp. Ngoài ra sẽ cung cấp các nguyên liệu để phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu