Dự kiến, vào tháng 9 năm nay, dự thảo báo cáo quốc gia lần thứ 2 về thực thi công ước chống tra tấn (CAT) sẽ được xin ý kiến rộng rãi trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kể từ khi trở thành thành viên Công ước (7/3/2015), Việt Nam đã không ngừng nỗ lực triển khai tổng thể các biện pháp để thực hiện có hiệu quả Công ước. Cùng với các hoạt động tuyên truyền, các cơ quan Nhà nước của Việt Nam đã tích cực, chủ động sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hàng loạt quy định pháp luật trong nước để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Công ước chống tra tấn cũng như đặt ra những trách nhiệm, nghĩa vụ cao hơn cho lực lượng thực thi pháp luật. Nhiều quy định về ngăn ngừa và trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn trong Công ước đã được nội luật hóa.
Ảnh minh họa: vov.vn |
Một trong những thay đổi tích cực của Việt Nam trong việc ngăn ngừa các hành vi tra tấn là triển khai lắp đặt, khai thác, sử dụng ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can nói riêng và trong quá trình tố tụng hình sự nói chung. Việt Nam cũng đã xây dựng mô hình phòng điều tra thân thiện để giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi và xâm hại người dưới 18 tuổi.
Bên cạnh đó, Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện hàng nghìn lớp giáo dục pháp luật, lớp dạy văn hóa, lớp dạy nghề, lớp truyền thông, chống tác hại của ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV, AIDS cho hàng chục nghìn lượt phạm nhân hằng năm.
Về chế độ ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh của phạm nhân, phạm nhân được bảo đảm sức khỏe trong quá trình giam giữ, lao động, học tập tại nơi chấp hành án. Đối với phạm nhân lao động nặng nhọc, độc hại, định lượng ăn trong tháng có thể được tăng thêm 15% so với tiêu chuẩn. Hằng năm, phạm nhân được cấp phát quần áo, chăn, màn và các đồ dùng thiết yếu phục vụ sinh hoạt bảo đảm phù hợp với thời tiết, địa lý của từng địa phương. Phạm nhân tham gia lao động được cấp phát quần áo bảo hộ và những phương tiện bảo hộ lao động cần thiết.