Việt Nam hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 02/04: Chung tay hành động vì trẻ em tự kỷ

Lê Phương TH
Chia sẻ
(VOV5) - Chính phủ đã phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.

Ngày 02/04 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ nhằm kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về hội chứng này.
Tại Việt Nam, để hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ năm 2022, Dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” hỗ trợ 15 cơ sở can thiệp cho trẻ em tự kỷ trong cả nước tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm lan tỏa tới cộng đồng ý thức trách nhiệm cũng như cách hiểu đúng về chứng tự kỷ ở trẻ em.

Việt Nam hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 02/04: Chung tay hành động vì trẻ em tự kỷ - ảnh 1Ảnh minh họa - Nguồn: tuoitrethudo.com.vn

Vào đúng Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ năm nay (02/04), Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức lễ diễu hành hưởng ứng Ngày này tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, với nhiều hoạt động ý nghĩa cùng sự tham gia của các thầy cô và nhiều em nhỏ mắc chứng tự kỷ… nhằm tăng cường cơ hội giao lưu cho các em.

Trước đó, ngày 31/03, Dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” hỗ trợ kinh phí cho 15 cơ sở can thiệp cho trẻ em tự kỷ trong cả nước tổ chức các sự kiện truyền thông và các hoạt động hỗ trợ trẻ em tự kỷ để hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (02/04), với mong muốn các em học sinh có cơ hội giao lưu, trải nghiệm và phát triển những kỹ năng của bản thân. Đây cũng là dịp để mọi người có nhận thức đúng về tự kỷ, từ đó thấu hiểu và yêu thương nhiều hơn.

Dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đồng khởi xướng, tài trợ và thực hiện trong 5 năm (2018 - 2023). Dự án nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tự kỷ, giúp trẻ em tự kỷ nhanh chóng hòa nhập xã hội và phát triển tốt hơn khi có sự thấu hiểu của cộng đồng. Sau 3 năm triển khai, dự án đã xây dựng và phát hành được bộ tài liệu chuẩn về trẻ em tự kỷ (hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại Việt Nam, hướng dẫn chơi cùng con, hỗ trợ hình ảnh cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ); bồi dưỡng cán bộ nòng cốt và giảng viên nguồn tại các trung tâm can thiệp cho trẻ tự kỷ. Dự án triển khai nhiều hoạt động truyền thông trang bị kiến thức cho giáo viên, phụ huynh tại các trung tâm ở các tỉnh, thành trên cả nước thông qua tập huấn, tọa đàm, vận hành trang thông tin điện tử “Chong chóng sắc màu” - kênh truyền thông qua internet chính thức của dự án.

Cùng với việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ được tổ chức hàng năm, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 – 2030.
Trong đó, đưa ra các giải pháp để trẻ tự kỷ được trợ giúp y tế, trợ giúp giáo dục, hướng nghiệp, lao động trị liệu, hỗ trợ sinh kế và văn hóa, thể thao. Đồng thời phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội làm nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục phục hồi chức năng đối với trẻ em tự kỷ; truyền thông nâng cao nhận thức về chứng tự kỳ và các biện pháp trợ giúp. Với trẻ mắc chứng tự kỷ, Chương trình cũng đặc ra mục tiêu trong giai đoạn 2021 -2025, hàng năm có ít nhất 80% trẻ em tự kỷ được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm; ít nhất 80% trẻ khuyết tật phổ tự kỷ ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục…

Với sự quan tâm của Chính phủ cùng việc nâng cao nhận thức cộng đồng, kiến thức và sự đồng hành của cha mẹ sẽ là “liều thuốc” tốt nhất giúp trẻ tự kỷ có nhiều cơ hội được điều trị, phát triển hơn nữa.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu