Ngày 31/5, tại Hà Nội, tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam và Hà Lan là đối tác chiến lược trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước, nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực. Với sự hỗ trợ của các đối tác Hà Lan, Chính phủ Việt Nam đã ban hành quyết định Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Quy hoạch đã tiếp cận các phương án tiên tiến trong ứng phó biến với đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước bền vững và hình thành cơ chế điều phối, phát triển vùng. Phó Thủ tướng hoan nghênh các đối tác, doanh nghiệp Hà Lan tham gia chương trình thí điểm lắp đặt điện mặt trời áp mái tại Việt Nam.
Về phần mình, Đại sứ Kees van Baar cho rằng Việt Nam và Hà Lan có tiềm năng rất lớn trong các lĩnh vực mới là năng lượng tái tạo, hình thành thị trường carbon… Đại sứ khẳng định Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật về xây dựng chính sách, quản trị, chuyển giao công nghệ, huy động các nguồn tài chính xanh cho lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Cùng ngày, tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng chặt chẽ với việc triển khai tiếp cận các giải pháp tổng hợp về ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả ô nhiễm chất độc da cam (dioxin), Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (net zero)…
Phó Thủ tướng khẳng định những vấn đề toàn cầu là nền tảng hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, góp phần thúc đẩy mối quan hệ thực chất, sâu sắc, mang lại giá trị cho nhân dân hai nước, đồng thời góp phần giải quyết những vấn đề toàn cầu.
Về phần mình, Đại sứ Marc Evans Knapper cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện JETP, net zero thông qua chia sẻ, chuyển giao công nghệ, nguồn lực tài chính, quản trị, kỹ thuật… cho các dự án năng lượng tái tạo với sự tham gia của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Các tổ chức đối tác phía Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy các dự án khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, rà phá bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật.