Việc sửa đổi luật xuất nhập cảnh của Việt Nam góp phần thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế

Chia sẻ
(VOV5) - Quốc hội Việt Nam đã đồng ý cho việc gia hạn thị thực điện tử từ 30 lên 90 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần.

Trang tin chuyên về du lịch của Đức reisetopia.de vừa đăng bài viết nhận định việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch và phát triển kinh tế của đất nước.

Bài viết đánh giá Chính phủ Việt Nam sẽ nới lỏng các quy định về nhập cảnh, điều sẽ giúp việc đi lại được đơn giản hoá và thuận lợi hơn. Đây là sự thay đổi đáng hoan nghênh đối với du khách nước ngoài muốn tới thăm Việt Nam.

Việc sửa đổi luật xuất nhập cảnh của Việt Nam góp phần thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế - ảnh 1Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cụ thể, Quốc hội Việt Nam đã đồng ý cho việc gia hạn thị thực điện tử từ 30 lên 90 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần. Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam cũng phê chuẩn việc kéo dài thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày. Đối với du khách Đức, đây là sự cải thiện đáng kể so với quy định thời hạn 15 ngày hiện nay. Các quy định mới, dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/8 tới, sẽ góp phần thu hút thêm du khách quốc tế và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Vẫn theo bài viết trên trang reisetopia.de, Việt Nam kỳ vọng các quy định nhập cảnh được nới lỏng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà đầu tư quốc tế chuyển địa điểm hoặc cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Bên cạnh đó, các quy định mới cũng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành du lịch để Việt Nam có thể lấy lại vị thế là một điểm đến du lịch hấp dẫn ở khu vực Đông Nam Á. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu